Vĩnh Phúc: Khoảng 3.600 giáo viên và học sinh “mắc kẹt” chưa về vì Covid-19

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc vừa có văn bản gửi các Phòng GD, trường THPT, đơn vị dạy chương trình GDTX cấp THPT về việc tổ chức dạy học và phân công giảng dạy đối với giáo viên đang phải giãn cách do dịch Covid-19.

Phụ huynh đăng ký cho con vào lớp 1 tại trường Tiểu học Ngô Quyền (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)
Phụ huynh đăng ký cho con vào lớp 1 tại trường Tiểu học Ngô Quyền (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

Văn bản của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tập trung hướng dẫn học sinh của tỉnh đang "mắc kẹt" ở tỉnh ngoài và học sinh ngoại tỉnh đang cư trú tại Vĩnh Phúc đăng ký tham gia học tập trước thềm năm học mới. Bên cạnh đó, văn bản cũng nêu rõ hướng bố trí, phân công giảng dạy đối với số giáo viên của tỉnh hiện đang cư trú tại tỉnh khác chưa thể về địa phương.

Cụ thể, theo thống kê sơ bộ từ các nhà trường, các cấp học tại tỉnh Vĩnh Phúc, hiện có khoảng 3.150 học sinh và trên 450 giáo viên Vĩnh Phúc đang ở tỉnh ngoài, chủ yếu là các tỉnh lân cận, giáp ranh chưa về kịp khai giảng do dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có khoảng 2.400 học sinh đang ở vùng thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 hoặc khu vực đang có quyết định cách ly như Hà Nội.

Nhiều nhất trong tổng số trên là cấp Tiểu học (1.164 em), khối giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (884 em), THCS sở (517 em), THPT (349 em), mầm non (236 em).

Để đảm bảo quyền lợi của học sinh, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc chỉ đạo, đối với học sinh ngoại tỉnh đang cư trú trên địa bàn tỉnh, có thể đăng ký học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh nhưng phải đảm bảo về an toàn phòng, chống dịch. Các đơn vị nhà trường có trách nhiệm bố trí lớp học và xác nhận kết quả học tập khi học sinh quay trở lại trường học cũ.

Đối với học sinh của Vĩnh Phúc đang mắc kẹt tại tỉnh ngoài, có thể đăng ký để tham gia học tập trực tiếp tại các trường nơi đang cư trú, hoặc tham gia học trực tuyến tại các trường của tỉnh Vĩnh Phúc do Sở GD&ĐT tổ chức.

Ảnh minh họa học sinh học trực tuyến
Ảnh minh họa học sinh học trực tuyến

Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc giao cho 3 trường THPT khu vực thành phố Phúc Yên là Bến Tre, Xuân Hòa, Hai Bà Trưng đảm nhiệm việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh các trường (đã được phân nhóm) có nhu cầu học tập online; đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến theo nhóm thành phần và toàn tỉnh đối với khối THPT.

Riêng học sinh chuyên, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học trực tuyến, giao nhiệm vụ học tập đối với môn chuyên cho học sinh lớp chuyên.

Học sinh khối giáo dục thường xuyên do các đơn vị, nhà trường chủ động tổ chức dạy học trực tuyến đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Việc dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học, THCS do phòng GD&ĐT các huyện, thành phố hướng dẫn, tổ chức phù hợp với tình hình địa phương, dựa trên số lượng thực tế các gia đình có nguyện vọng.

Về bố trí, phân công giảng dạy đối với số giáo viên của Vĩnh Phúc hiện đang cư trú tại tỉnh khác, văn bản của Sở GD&ĐT cũng nêu rất rõ.

Theo đó, đối với giáo viên đang cư trú tại các tỉnh, thành phố không thuộc vùng cách ly theo Chỉ thị 16, các đơn vị đề nghị giáo viên trở về tỉnh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên lưu trú lâu dài tại Vĩnh Phúc, yên tâm giảng dạy trong năm học mới.  

Đối với giáo viên cư trú tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng đang áp dụng Chỉ thị 16, các trường phân công, giao nhiệm vụ giảng dạy, phụ đạo trực tuyến cho học sinh, đảm bảo đủ định mức lao động cho giáo viên; trường hợp trở về tỉnh để giảng dạy trực tiếp, cần thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Như vậy, mặc dù tổ chức dạy - học trực tiếp cho học sinh các cấp, bậc học trong tỉnh chính thức từ ngày 6/9 tới đây (riêng học sinh lớp 1 đã vào học từ ngày 23/8/2021), song ngành giáo dục Vĩnh Phúc vẫn tổ chức các hình thức học tập trực tuyến cho các nhóm học sinh của tỉnh, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.