Cụm đền, chùa Chân Suối tọa lạc tại thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc (Km 13, Quốc lộ 2B đường đi Tam Đảo). Đền Chân suối thờ Quốc tổ Mẫu Đào Liễu và Quốc Mẫu Tây Thiên Năng Thị Tiêu (Lăng Thị Tiêu) người có công giúp vua Hùng đánh đuổi giặc Thục xâm lược.
Đền, chùa Chân Suối nằm tĩnh lặng giữa khung cảnh thâm nghiêm, cổ kính của rừng già và núi non hùng vĩ đất thiêng Tam Đảo. Phía trước đền, chùa là hồ nước rộng 34ha do suối Bạc từ dãy Tam Đảo chảy xuống.
Đền còn lưu giữ 4 đạo sắc phong thời Nguyễn, ghi là: Tự Đức tam thập tam niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật (ngày 24/11/1880); Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật (ngày 1/7/1887); Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật (ngày 11/8.1909); Khải Định cửu niên thất nguyệt thập nhất nhật (ngày 25/7/1924).
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của đền Chân Suối, ngày 23/6/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định 2082/QĐ -CT "về việc phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Chân Suối, xa Hồ Sơn, Tam Đảo".
Việc khánh thành giai đoạn I đền, chùa Chân Suối góp phần phát huy gái trị lịch sử của ngôi đền, cũng như đấp ứng hoạt động tín ngưỡng và nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương trong cả nước.
Nhà sử học Lê Văn Lan cũng giới thiệu về đền Chân Suối: “...Đã sẵn cảnh quan tuyệt vời, sự tích linh viện, lại thêm vị thế ở ngay vào chỗ cửa ngõ lên xuống– đi về của vùng Danh thắng quốc gia Tam Đảo, tòa đền, chùa Chân Suối chính là một đài lễ lý tưởng, trời cho- người giúp, có một không hai, để tất cả mọi ngừoi chúng ta hành hương và du hành đến”.
Truyền thuyết kể lại rằng, Đời vua Hùng vương thứ 6 ở động Tam Dương, phủ Đoan Hùng, đạo Sơn Tây có ông bô trưởng tên là Lăng Vĩ và vợ là Đào Liễu. Hai người có một người con gái rất đẹp, mắt phượng, mày ngài, cổ cao ba ngấn.
Khi sinh cô gái, hào quang tỏa sáng. Nữ nhi xinh đẹp giống như người trong mộng. Cô bé giọng trong như tiếng sáo. Tên gọi nàng Tiêu mà cha mẹ đặt cho gắn với bao huyền thoại của núi rừng. Càng lớn nàng lại càng giỏi cầm, kỳ, thi, họa, thông thạo binh thư, tài thao lược, cưỡi ngựa bắn cung rất thiện xạ, ném đá siêu phàm, trai tráng, nam nữ đều thần phục.
20 tuổi, nàng trở thành anh hùng nổi tiếng cả một vùng phủ lộ đều tôn bà là bà tướng.
Sau khi có công giúp vua Hùng đánh thắng giặc phương Bắc, Lăng Thị Tiêu dẫn quân về triều phụng chỉ. Vua Hùng mở yến tiệc khao thưởng quân sĩ và phong chức nội các cho 2 mẹ con rất vinh hiển nhưng cả 2 đều nhất mực từ chối, chỉ xin đức Vua được về lập bản doanh bên hồ chân Suối để phụng dưỡng mẹ cha. Vua Hùng đồng ý, phong Lăng Thị Tiêu là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu. Sau đó không lâu Lăng Thị Tiêu kết duyên vợ chồng với hoàng tử Lang Liêu.
Một hôm Lăng Thị Tiêu được tin thân mẫu qua đời, nàng xa giá trở về chịu tang mẹ. Đến nơi thấy mối đã đắp thành nấm mộ, người buồn rầu lên đỉnh núi Tây Thiên thăm lại nơi mẹ cha từng cầu tự.
Bỗng đám mây ngũ sắc từ đâu hạ xuống bên nàng. Trong làn sương khói, một vì thần tiên hiện ra truyền rằng: nàng vốn là con gái thần võ nghệ, nay hạn kỳ đã hết nàng phải trở về thượng giới. Nghe xong nàng xuống suối tắm gội, rồi theo thiên sứ đi vào mây. Hôm ấy là ngày mùng 5 tháng 2 âm lịch.
Để ghi công đức sâu dầy của Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, dân làng Hà, xã Hồ Sơn đã rước thần hiệu về đền Chân Suối thờ phụng cùng quốc tổ mẫu Đào Liễu. Khi còn sống, trong nước có loạn giặc Thục, Quốc mẫu Tây Thiên có công chiêu mộ binh sĩ, phò vương cứu nước, cứu dân. Sau khi mất, bà thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước, nên được sắc phong làm Quốc mẫu.