Họ là “Những chiến sĩ biên phòng/ Đứng chon von dưới trời cao biên giới/ Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi; Những chiến sĩ biển khơi/ Hải đảo mồ côi đêm ngày sóng bủa; Những chiến sĩ trên công trường gỗ, đá/ Nắng lửa, mưa bùn, cháy trán, phồng tay; Những chiến sĩ nông trường tình nguyện xa quê...” (thơ Lưu Trùng Dương).
Và trong số họ còn có cả những người từng đứng canh giữ nơi cột cờ Hiền Lương ngày đất nước chia cắt; có cả những tình nguyện quân trên đất bạn Lào, Campuchia. Họ sẽ không quên ông.
Điều đó cũng thật dễ hiểu. Bởi lẽ đã từ lâu, ông được mệnh danh là “nhà thơ của nhân dân và người lính”. Bàn chân ông đã đi khắp các chiến trường, đến với bao vùng đất, gặp bao gương mặt người, để rồi còn lại nơi ông một gương - mặt - thơ độc đáo không dễ lẫn, nồng nhiệt, đắm say, hồn hậu, chân thành, một ngòi bút thi ca đậm chất lý tưởng và mang hiệu ứng xã hội rất rõ rệt.
Nhắc lại 85 năm cuộc đời, 60 năm cầm bút của Lưu Quang Lũy - Lưu Trùng Dương, mới càng thấy ông là một người đáng nể, cả với tư cách công dân và vai trò nghệ sĩ.
Cùng với tên tuổi của người anh trai cả là nhà thơ, soạn giả Lưu Quang Thuận và người cháu ruột là nhà thơ - kịch tác gia Lưu Quang Vũ, bản thân ông cũng là người nghệ sĩ của nhân dân, nói như nhà thơ Xuân Diệu: “Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Cùng sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao”.
Ở tuổi 16, vào những ngày tháng 12/1946, khi tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp vang rền sông núi, ông đã cùng một số bạn bè đang học chuyên khoa Trường Chu Văn An ở Hà Nội tình nguyện từ giã quãng đời học sinh để trở về quê hương Đà Nẵng, nhanh chóng nhập vào cuộc đời quân ngũ, cho đến tận những năm sau này.
Trong kháng chiến chống Pháp 9 năm, ông đã từng là lính, rồi chuyển qua làm tờ báo đầu tiên của bộ đội Khu V, đã có Tập thơ của người lính giành Giải thưởng Phạm Văn Đồng.
Từ đó đến nay, ông đã có 19 tập thơ, 15 tác phẩm văn xuôi, 9 kịch bản sân khấu - điện ảnh, có thơ được chọn in sách giáo khoa, thơ dịch ra tiếng nước ngoài, thơ được phổ nhạc và tổ khúc giao hưởng... Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học và là người gắn bó nhiều năm với phong trào văn nghệ ở quê nhà.
Những ngày gần đây, ông không có mặt tại Đại hội Hội Nhà văn và Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng. Cứ nghĩ rằng ông chỉ bị mệt nặng, ráng qua khỏi để Tết Ất Mùi 2015 lại về quê đón Xuân. Vậy mà ông đã thực sự ra đi. Từ quê nhà, xin thắp nén hương tiễn biệt nhà thơ Lưu Trùng Dương!