Nhờ mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Điển, và cũng xuất phát từ tình yêu với đất nước này mà bài viết đầy xúc động về Thụy Điển đã lay động ban giám khảo. Thế nhưng, ít ai biết rằng, cô gái chỉ nộp bài dự thi trước khi hết hạn đúng 3 phút!
Còn 3 phút là hết hạn!
Biết đến cuộc thi viết về Di sản Văn hóa châu Âu một cách tình cờ trên Youth box- trang thông tin dành cho giới trẻ, khi biết về cuộc thi cũng đã khá muộn nên Thùy Hương chỉ có khoảng 2 ngày nghĩ chủ đề, lên ý tưởng và 1 ngày hoàn thành bài thi. Vì từng có thời gian học tập và sinh sống tại Thụy Điển nên cô gái trẻ dành rất nhiều tình cảm cho con người và đất nước này.
Sau khi chọn được chủ đề và dàn ý xong, Hương viết một mạch và nộp bài trước khi hết hạn cuộc thi đúng 3 phút.
Cô gái 9X đã viết về Thụy Điển bằng tất cả tình yêu của bản thân dành cho con người và đất nước Bắc Âu xa xôi dù lạ lẫm đối với nhiều người. Cô cho biết, cảm hứng ban đầu để cô viết từ kỷ niệm quan hệ ngoại giao 50 năm giữa Việt Nam – Thụy Điển.
Mối quan hệ gắn bó hai quốc gia theo tiến trình lịch sử, từ thời kì chiến tranh đến khi hòa bình; tiếp theo là sự phát triển đáng kinh ngạc hiện nay của Thụy Điển.
“Hơn 100 năm trước, Thụy Điển từng bị xem là quốc gia nghèo nàn, lạc hậu nhất châu Âu. Ngày nay, đất nước này gần như có một nền dân chủ hoàn hảo. Điều đó dẫn mình đến với “Lagom” - triết lý, tinh thần dân chủ xã hội trong đời sống Thụy Điển. Nó là nét đặc trưng, âm thầm tồn tại hơn 1.000 năm qua.
“Lagom” là một tính từ dùng để chỉ sự vừa phải, thích hợp, cân bằng nhưng không nhất thiết là hoàn hảo nhất. “Lagom” giống như kim chỉ nam chung cho cách sống, ứng xử, giao tiếp của cả một dân tộc”, Hương cho biết.
Với cô gái trẻ, “Lagom” chính là di sản văn hóa tuyệt vời nhất vì những giá trị nhân văn toàn cầu mà nó đem lại cho tất cả mọi người.
Viết bằng tình yêu!
Thùy Hương nhận giải Nhất cuộc thi viết về Di sản Văn hóa châu Âu. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Hơn một năm trước, Nguyễn Thùy Hương là sinh viên được cử đi trao đổi theo chương trình giữa 2 Trường ĐH Hà Nội và ĐH Gothenburg, Thụy Điển trong vòng 6 tháng.
Cô chia sẻ, những tháng ngày học tập trên giảng đường, cô được các thầy, cô giáo khoa Quốc tế học, Trường Đại học Hà Nội cung cấp cho nhiều kiến thức hữu ích, bức tranh tổng quát về ngành Quốc tế học, trật tự thế giới, quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế.
Đặc biệt, với thời gian tham gia chương trình trao đổi cùng rất nhiều kỉ niệm đẹp, đáng nhớ ở Thụy Điển, cô gái trẻ đã hoàn thành sản phẩm một cách xuất sắc.
Theo Nguyễn Thùy Hương, một trong những yếu tố hết sức quan trọng tạo nên chiến thắng không thể không nói đến ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Bởi từ vốn ngôn ngữ này, cô có thể đọc tài liệu, sách báo, cập nhật thông tin, trau dồi những kiến thức văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới.
“Ngoại ngữ không chỉ đem lại cho bản thân mình và các bạn sự tự tin, mà còn là chìa khóa mở ra kho tàng tri thức bao la của nhân loại, cũng như có những cơ hội bất ngờ trong cuộc sống”, Hương nói.
Đây là một trong những quyết định lớn nhất và thay đổi bản thân Hương nhiều nhất. Với cô gái trẻ này, đó không chỉ là quãng thời gian đáng nhớ được trải nghiệm môi trường học tập tuyệt vời mà đó còn là chuyến đi của sự trưởng thành thời trẻ. Nói đến điều này, Hương lại nhớ đến mẹ bởi chính mẹ của cô là người đã ủng hộ cho chuyến trao đổi sinh viên đi học tập nước ngoài của cô.
Trong thời gian học tập tại Thụy Điển, Thùy Hương chia sẻ đó là môi trường học tập rất hiện đại và đa dạng. Môi trường học tập trung không phải vào kiến thức mà vào người học, đề cao tính tự học, tự đọc của sinh viên để vận dụng hoàn thành tốt các bài tập cá nhân, bài tập nhóm.
Qua những kĩ năng thuyết trình, phản biện, làm bài tập nhóm, kiến thức trở nên dễ nhớ và thực tế hơn rất nhiều. Cuộc sống của sinh viên quốc tế sôi nổi, tự do, nhiều màu sắc tất nhiên không chỉ có việc học, mà còn có các hoạt động ngoại khóa của Hội Sinh viên và những nhóm Buddy group.
Bên cạnh việc học thì ở Thụy Điển, cô còn có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Đặc biệt là “cú sốc” văn hóa đầu tiên khi nhà vệ sinh bên nước bạn không chia khu nam nữ, đó chính là sự đề cao quyền bình đẳng giới, không phân biệt nam nữ. Ở đó cũng là lần đầu tiên cô được trải nghiệm hiện tượng ngày đêm dài, ngắn theo mùa trong sách địa lý lớp 6.
Thụy Điển còn đem lại kỉ niệm đặc biệt khi 8 - 9 giờ đêm mặt trời mùa hè chưa lặn hay mùa đông mới 3 - 4 giờ chiều trời đã sâm sẩm tối. “Lần đầu tiên em được thấy tuyết, lần đầu tiên được đi bộ, hái nấm trong rừng, lần đầu tiên thấy hươu, nai, nhím, sóc, thỏ ngoài tự nhiên chứ không phải trong sở thú công viên.
Điều em ấn tượng nhất ở Thụy Điển chính là đất nước rất hiện đại nhưng mọi người sống thân thiện và hòa mình với thiên nhiên, những khu dân cư lẫn trong rừng, những chuyến tàu điện chạy xuyên qua lòng núi... tất cả đều hài hòa đến kì lạ nhưng không hề phá vỡ cảnh quan của hệ sinh thái tự nhiên” - Hương chia sẻ về những kỉ niệm bên nước bạn.
Thùy Hương có thành tích học tập nổi trội, ngay từ những năm học phổ thông, Hương đã “ẵm” nhiều giải thưởng như giải Nhì môn Ngữ văn và giải Ba môn Tiếng Anh cấp tỉnh.
Lên đại học, Hương cùng nhóm sinh viên đoạt giải Nhì trong cuộc thi “Sáng kiến thanh niên về công khai, minh bạch ngân sách” năm 2015; Là người thắng cuộc trong phần Quiz, “Ngày hội du học Thụy Điển 2018” do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.
Tháng 6 tới, Thùy Hương sẽ đi châu Âu, và một lần nữa quay lại Thụy Điển, cô gái trẻ chọn tháng 6 bởi đó là thời gian diễn ra Lễ hội mùa hè Midsummer (22/06) - lễ hội truyền thống quan trọng nhất đối với người dân Thụy Điển.