Từ trước Cách mạng tháng 8 cho đến nay đã có nhiều tác giả viết truyện lịch sử và thành công với thể loại này. Mỗi thể loại đều có sự khác biệt trong khi viết mà đòi hỏi mỗi nhà văn phải chuẩn bị cho mình kỹ về văn hóa cũng như kiến thức lịch sử. Để hiểu rõ hơn về nghệ thuật viết truyện lịch sử, đặc điểm của viết truyện hay giải thưởng dành cho những tác phẩm truyện lịch sử… Phóng viên báo GD&TĐ đã có buổi trò chuyện với nhà văn Ngô Văn Phú- một trong những cây bút thành công trong việc viết truyện lịch sử hiện nay.
Nhà văn Ngô Văn Phú |
N.V.P: Đội ngũ nhà văn viết truyện lịch sử hiện nay không nhiều. Bởi thể loại này rất khó, đòi hỏi người viết phải am tường về lịch sử cũng như văn hoá thời kỳ lịch sử mà mình định viết. Chúng ta có thể kể đến những tác giả trước CMT8 như: Chu Thiên, Nguyễn Đình Thi, Ngô Văn Triện..., đến đội ngũ già như chúng tôi: Hà Ân, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Xuân Khánh... Ngoài ra còn có những cây bút trẻ thích viết về thể loại này như: Lưu Sơn Minh, Phạm Thái Quỳnh...
- Trong khi viết truyện lịch sử nhà văn thường quan tâm đến thể loại nào nhất: truyện ngắn hay tiểu thuyết?
Lịch sử luôn được mọi người quan tâm, bởi nó là linh hồn của đất nước là quá trình xây dựng của đất nước. Có hai thể loại để tôi viết về đề tài này: truyện ngắn và tiểu thuyết, với mỗi loại đều có cách thể hiện khác nhau. Với truyện ngắn do đặc thù dung lượng ngắn nên người viết phải đọc kỹ nhân vật, cắt mảnh được nhân vật đồng thời nêu nổi bật nhân vật. Ví dụ như tập truyện 150 nhân vật “Truyện Danh nhân Việt Nam thời Trần – Lê”. Với tiểu thuyết nó rất dài, người viết phải dựng được cả không khí của thời đại, nhân vật, sự kiện đồng thời khai thác khía cạnh đề cao thời đại đó, nhân vật đó... Do vậy mà việc sưu tầm tài liệu để cho ra đời tác phẩm của mình là rất công phu, sưu tầm kỹ lưỡng như tác phẩm Nguyễn Công Trứ, tôi phải mất gần 5 năm để thu thập tài liệu.
- Xin nhà văn có thể nói rõ hơn về nghệ thuật viết truyện lịch sử?
- Tuỳ mỗi tác giả, như Nguyễn Xuân Khánh có cách khai thác riêng, Lưu Sơn Minh, Võ Thị Hảo đều có cách khai thác riêng. Mỗi người ôm ấp một chủ đề nào đó rồi cho ra đời đề tài và tác phẩm đó. Mỗi nhà văn có một phong cách khác nhau nhưng điểm chung của họ là tôn trọng lịch sử, tôn trọng nhân vật... Và tôi không nằm ngoài quỹ đạo đó. Tôi luôn tôn trọng lịch sử, tôn trọng thân thế sự nghiệp của nhân vật mình khai thác. Các cụ ngày trước khi viết thường hay đề cao mặt tốt, tính vượt hơn người, chất thánh... mà không đề cập đến mặt đời thường, mặt con người của nhân vật. Nhưng với tôi trong khi viết tôi luôn cố gắng dung hoà hai mặt đó, thêm tính tiểu thuyết dựng lại những cá tính, cái xuất thần, chi tiết cụ thể của nhân vật và xem xét đề đoán nhân vật. Tất cả là những tư liệu để hình thành xương sống của tiểu thuyết đồng thời tôi luôn quan niệm càng viết thành nghề rồi càng phải viết kỹ càng.
- Xin nhà văn cho biết đặc điểm của viết truyện lịch sử khác với viết truyện thường như thế nào, khó nhất ở điểm gì?
- Truyện lịch sử khác truyện thường, bởi trong truyện lịch sử có mấy giàng buộc. Truyện lịch sử giàng buộc trong lịch sử, tất cả những thân thế sự nghiệp, công lao... của nhân vật đều đã tồn tại trong lịch sử và ai ai cũng biết do vậy nhận vật đó được viết ra phải đúng với lịch sử. Với truyện thường tác giả được phóng bút, tung tẩy trong sự thăng hoa của mình.
Trong viết truyện lịch sử cái khó nhất là tìm tài liệu, bởi không phải nhân vật nào người viết cũng có thông tin đầy đủ. Sau đó là cách thể hiện trong tác phẩm, có hư cấu nhưng phải khéo léo, bởi người đọc tinh lắm, viết không cẩn thận sẽ bị đánh giá là kém. Tôi viết về những nhân vật mình yêu thích, họ nổi tiếng và tiêu biểu của từng thời, về nhân cách, về học vấn, về sự xả thân, vì dân vì nước, cái đó giúp cho đời sau hiểu thêm về họ, được chừng nào hay chừng đó. Lịch sử thì cứ viết đi viết lại nhưng mỗi thời lại phải viết theo nhãn quan của đời mình và tôi nghĩ đó là việc làm bổ ích.
- Với những tác phẩm đã xuất bản, nhà văn tâm đắc nhất và dành nhiều thời gian nhất cho tác phẩm nào?
- Mỗi câu chuyện đều để lại những ấn tượng khác nhau. Về truyện ngắn tôi tâm đắc nhất bộ truyện ngắn “150 danh nhân Việt Nam”. Thể loại tiểu thuyết: Đinh Tiên Hoàng- Câu sấm vĩ về ngài áo tím, Nguyễn Công Trứ- Sĩ phu Bắc Hà (sắp in), Gươm thần vạn kiếp, Vua tôi đi săn.
- Nhà văn đánh giá thế nào về giải thưởng dành cho tác phẩm truyện lịch sử hiện nay?
- Hiện nay giải thưởng cho tác phẩm là truyện lịch sử chưa thực sự được chú ý. Mà mới chỉ cho nhãn quan giải thưởng về “trào lưu tiểu thuyết” của Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải giải thưởng “Bùi Xuân Phái- vì tình yêu Hà Nội”.
- Theo nhà văn, với học sinh, giáo dục lịch sử phải bắt đầu từ đâu?
- Giáo dục lịch sử khác với truyện lịch sử. Theo tôi, lịch sử dạy trong nhà trường cần có các chương tập chung nhân vật lịch sử trong từng thời kỳ. Nói những cái hay, cái đẹp của từng thời kỳ để học sinh tiếp cận cho dễ dàng.
- Thưa nhà văn, vậy đối với người cầm bút nói chung và viết truyện lịch sử nói riêng đòi hỏi phải có những yếu tố gì?
- Ngoài việc đòi hỏi phải có năng khiếu viết văn, niềm đam mê với người viết truyện lịch sử còn phải chuẩn bị cho mình kiến thức rộng về văn hóa, lịch sử… Văn hóa từng thời kỳ lịch sử là khác nhau: quần áo, phong tục, ăn mặc, đi đứng… Một công việc đòi hỏi công phu và người viết vừa phải là nhà nghiên cứu lịch sử và là nhà am hiểu văn hóa.
Xin cảm ơn nhà văn!