Buổi lễ do Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên minh hợp tác xã Việt Nam cùng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức.
Tới dự lễ kỷ niệm có phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, bà Debỏah Greenfield, Phó tổng giám đốc ILO cùng các đại biểu đại diện bộ, ngành chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và đối tác phát triển của ILO.
Tại lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam và ILO gặp nhau ở ý chí và hành động nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ dựa trên các nguyên tắc cơ bản của ILO.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện. |
ILO chính thức được thành lập từ năm 1919. Suốt 100 năm qua, Chính phủ các quốc gia thành viên cùng với các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động đã không ngừng cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu cao cả là nền hòa bình bền vững trên cơ sở công bằng xã hội.
Năm 1919, lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc đã gửi bức thư tới Hội nghị Hòa bình Paris đòi quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam, trong đó có quyền được “tự do hội họp và quyền được học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp”. Sắc lệnh 29/SL của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành năm 1947 được coi là pháp luật lao động đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở đầu cho những nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Lao động ngày nay.
Bộ lao động – thương binh và xã hội là cơ quan Chính phủ phụ trách lĩnh vực lao động và an sinh xã hội luôn phối hợp chặt chẽ với tổ chức đại diện của người lao động, bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách về lao động cũng như triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên phát triển mới này, các lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động và sứ mệnh của ILO vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được hiện thực hóa trong nền kinh tế thị trường khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với các nguyên tắc định hướng về phát triển bền vững, bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau”.