Tăng tuổi nghỉ hưu, phụ nữ được hưởng lợi

GD&TĐ - Thảo luận dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), về tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu mức lương hưu cũng như cơ hội thăng tiến của lao động nữ sẽ được cải thiện tốt hơn.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (nguồn internet)
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (nguồn internet)

Góp ý về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đánh giá cao Bộ luật lần này đã điều chỉnh, bổ sung các quy định cần thiết khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành luật, đáp ứng sự phát triển của thị trường lao động, thể chế hóa các quy định của Hiến Pháp 2013, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Và đặc biệt, việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới được thể hiện trong rất nhiều các quy định của dự thảo.

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, theo nữ đại biểu, các căn cứ, ở cả 2 phương án Chính phủ đưa ra đã đảm bảo quyền, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của người lao động và đều được tính đến các điều kiện, tính chất và các yếu tố khác.

“Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không phải vấn đề mới, được bàn thảo rất nhiều, qua nắm bắt dư luận, tuy vẫn có ý kiến chưa thật sự đồng tình, chưa nhiều người đồng tình, tuy nhiên đến thời điểm này, việc điều chỉnh tuổi hưu là rất cần thiết”, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.

Hiện nay, do tuổi nghỉ hưu của nữ nghỉ sớm trước nam 5 năm nên các quy định bồi dưỡng, quy hoạch đều phải sớm hơn nam giới 5 năm. Tuy nhiên, đặc thù giới tính, mất quá nhiều thời gian nuôi con nhỏ, sau khi thực hiện xong thiên chức người mẹ, cơ hội bổ nhiệm hạn chế đáng kể, vì thế chịu thiệt thòi trên con đường thăng tiến, do những quy định giới hạn về tuổi nghỉ hưu.

Tăng tuổi nghỉ hưu, đồng nghĩa với việc tăng số năm đóng bảo hiểm xã hội, theo đó, chắc chắn mức lương hưu của lao động nữ sẽ được cải thiện tốt hơn. Thực tế hiện nay, theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, lương hưu trung bình của phụ nữ chỉ chiếm khoảng 84% so với lương hưu nam giới.

Đồng thời, tăng tuổi nghỉ hưu, tác động tích cực vào sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt, tăng cơ hội trong đào tạo, quy hoạch bồi dưỡng, bổ nhiệm,…

Bà Hà đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đưa ra các căn cứ khoa học, phù hợp thực tiễn, về các ngành nghề nào, lao động nào cần được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, và thấp hơn là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng cần thực hiện đồng bộ với chính sách khác về lao động, an sinh xã hội một cách tổng thể, để tạo ra sự đồng thuận của xã hội khi triển khai thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ