Người lao động cần ý thức hơn về BHXH
Năm 2019 đánh dấu sự thay đổi của nhiều chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH) mà người lao động và người sử dụng lao động cần biết. Theo đó, việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, cống hiến để phát triển bền vững. Tuy nhiên, người lao động và sử dụng lao động cần có nhận thức đúng về chính sách BHXH để tránh rủi ro nếu như doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ trong kinh doanh, làm ăn. Đây cũng là cách để người lao động bảo vệ quyền lợi của mình.
Không chỉ gây thiệt thòi cho người lao động, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước cũng như ảnh hưởng quyền lợi về các chế độ hưởng trợ cấp bảo hiểm của người lao động. Cụ thể, nếu cơ quan bảo hiểm không thu được các khoản tiền về BHYT, BHXH, BHTN thì người lao động rất thiệt thòi, không được hưởng các chế độ như chế độ hưởng thai sản, tử tuất, trợ cấp mất việc làm.
Cho nên, vì quyền lợi và lợi ích hợp pháp, người lao động nên tìm hiểu, cập nhật thông tin về BHXH và những đổi mới để có thể tự bảo vệ bản thân, chủ động đấu tranh nếu gặp sức ép từ phía chủ sử dụng lao động.
Qua thực tế triển khai thực hiện chính sách BHXH, bên cạnh các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quyền lợi đối với người lao động, vẫn còn tồn đọng một số doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ việc đóng BHXH cho người lao động. Nếu để xảy ra tình trạng đó, người lao động sẽ gặp phải những bất cập, khó khăn khi giải quyết các chế độ của bản thân như trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, BHYT…
Cụ thể, người lao động thường bất lực và là bên chịu thiệt thòi trực tiếp nhất khi bị doanh nghiệp nợ hoặc không được đóng BHXH, nhất là khi doanh nghiệp vẫn “thu hộ” phần BHXH mà NLĐ phải đóng theo lương, nhưng doanh nghiệp lại không nộp và “chốt sổ” BHXH theo quy định. Người lao động không có lương hưu làm tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội và phải gánh chịu thiệt thòi nhiều mặt cho bản thân và người thân liên quan do thường bị mất đi các khoản chi phí hỗ trợ BHYT sau hưu, trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng cho người thân nếu đủ điều kiện...
Chính sách BHXH cần được tiếp tục nâng cao
Trước những bất cập trên, có thể nhận thấy việc cải cách và phát triển BHXH vì quyền lợi người lao động là trọng tâm chính sách xã hội, hết sức cần thiết, gắn phát triển con người song hành với phát triển kinh tế, thể hiện bản chất ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, chính sách BHXH, BHYT ngày càng đóng vai trò quan trọng bảo đảm an sinh xã hội bền vững, bảo đảm quyền lợi của người lao động trong điều kiện gặp rủi ro lao động, hoặc ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí... Những chính sách bảo hiểm này cần được tiếp tục nâng cao, nhất là đối với những người lao động chưa ý thức được rằng BHXH, BHYT là một phần quan trọng mà họ cần quan tâm.
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, nông thôn của chúng ta đang ngày càng thu hẹp, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp mà không tham gia BHXH, BHYT thì khi nghỉ việc có thể trắng tay. Thực tế, nhiều công nhân còn thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để không phải nộp bảo hiểm.
Người lao động cần ý thức được việc đóng bảo hiểm chính là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, các chủ sử dụng lao động cần phải thực hiện và thể hiện trách nhiệm xã hội, tuân thủ pháp luật, nhất là vấn đề bảo hiểm đối với người lao động, bởi khi thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về bảo hiểm, người lao động sẽ yên tâm làm việc.
Bởi vậy, cải cách BHXH cần được thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao và với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị. Các cơ quan chức năng, ngành BHXH và tổ chức công đoàn cần chủ động phối hợp cải cách chính sách và tăng cường quản lý BHXH theo hướng mở rộng diện bao phủ, đa tầng và đa dạng hóa các mức đóng - hưởng BHXH cho các nhóm đối tượng phù hợp; theo nguyên tắc “có đóng - có hưởng, chia sẻ và bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của các bên”.
Đồng thời, cần nghiên cứu các giải pháp cụ thể để đáp ứng yêu cầu vừa mở rộng đối tượng hưởng chế độ BHXH một lần cho người đóng mắc các trọng bệnh nguy hiểm rút ngắn tuổi thọ, vừa phải làm giảm quy mô số lượt người nhận BHXH một lần do thiếu thời gian tham gia hoặc do việc làm thiếu ổn định, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động; tăng thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc tuân thủ pháp luật, ngăn chặn trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH, bảo đảm sự đồng thuận, ổn định chính trị và tiến bộ, công bằng xã hội, chất lượng đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Việc này rất quan trọng. Năm 2017 có 13,9 triệu người tham gia BHXH; 79,9 triệu người tham gia BHYT; 11,8 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Hết 2 tháng đầu năm 2019, con số tương ứng đã tăng lên 14,5 triệu người, 83,6 triệu người và 12,73 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,7% dân số.
Thêm vào đó, công tác thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả, nhất là trong phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng bảo hiểm.