Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang đối phó thế nào với biến thể của Covid-19?

GD&TĐ - Hôm qua (14/8), Đông Nam Á báo cáo 99.662 ca mắc Covid-19 và 2.541 ca tử vong mới trong ngày – theo hãng tin Star. Hệ thống y tế ở nhiều nước trong khu vực đang phải gồng mình để đối phó với số ca mắc tăng mạnh.

Người dân Philippines xếp hàng nhận hỗ trợ từ chính phủ khi thủ đô phong tỏa 2 tuần để ngăn chặn biến thể Delta.
Người dân Philippines xếp hàng nhận hỗ trợ từ chính phủ khi thủ đô phong tỏa 2 tuần để ngăn chặn biến thể Delta.

Nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt ở châu Á

Theo Worldometer, tổng số ca mắc Covid-19 ở châu Á đã lên tới 65.803.889 và số ca tử vong là 961.519 ca. Hơn 61,2 triệu ca mắc Covid-19 đã hồi phục, số ca đang mang virus là hơn 3,6 triệu ca, trong đó có hơn 40.000 ca đang trong tình trạng nặng.

Biến thể Delta đang khiến cho nhiều nước Đông Nam Á chao đảo vì dịch Covid-19. Với số ca mắc tăng mạnh kể từ tháng 7/2021, các nền kinh tế vốn dựa vào người tiêu dùng cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực.

Indonesia có tỷ lệ mắc Covid-19 khoảng 392/1 triệu người – một trong những con số cao nhất khu vực. Tiếp theo là Malaysia 334/1 triệu, Philippines là 262/1 triệu.

Với hơn 1,71 triệu ca nhiễm và 29.838 ca tử vong, Philippines có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.

Thái Lan hôm qua ghi nhận 22.086 ca mắc Covid-19 và 217 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 885.275 người, tổng số ca tử vong là 7.344 người. Khoảng 5.590 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch và 1.151 bệnh nhân đang được hỗ trợ thở máy.

Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới Thái Lan dự đoán hệ thống y tế của đất nước sẽ tiếp tục chứng kiến gánh nặng về số ca mắc Covid-19 nghiêm trọng trong những tuần tới và số ca tử vong hàng ngày sẽ vẫn ở mức cao.

Campuchia hôm qua thông báo 65 ca mắc Covid-19 mang biến thể Delta và tổng số ca mắc mới tại đây là 494 ca.

Đối phó với biến thể Delta

Để đối phó với biến thể Delta lan rộng, nhiều nơi ở Đông Nam Á tiếp tục áp đặt các lệnh hạn chế di chuyển cùng với nỗ lực tiêm vắc xin – theo hãng tin Medical News Today.

Quốc hội Malaysia cũng phong tỏa 2 tuần do phát hiện 4 ca mắc biến thể Delta.

Trong tháng 8, thủ đô Manila của Philippines cũng áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Vùng thủ đô Manila được đặt trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ ngày 6 - 20/8. (Ảnh: EPA-EFE).

Vùng thủ đô Manila được đặt trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ ngày 6 - 20/8. (Ảnh:  EPA-EFE).

Bộ Ngoại giao Thái Lan đã thực hiện những giới hạn mới về di chuyển đối với khách du lịch ở các khu vực trong nửa đầu tháng 8. Trong khi đó lệnh giới nghiêm và hạn chế di chuyển cũng được áp dụng tại thủ đô Bangkok và các nơi có số ca mắc cao cho tới cuối tháng 8.

Tiêm vắc xin cũng là biện pháp được tích cực thực hiện để đối phó đại dịch. Singapore có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu Á với 66% dân số được tiêm đầy đủ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tính đến tháng 8/2021, có tổng cộng 618,5 triệu liều vắc xin được sử dụng ở Đông Nam Á – tương đương với 146 triệu người ở đây đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tiến sĩ Poonam Khetrapal SinghTrusted Source – Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO cho rằng khu vực này đang trên đà đạt được mục tiêu tiêm chủng là 40% dân số được tiêm đầy đủ vào cuối năm 2021.

Bất chấp những con số đầy hy vọng này, cần có những nỗ lực liên tục để thúc đẩy công bằng trong việc tiêm vắc xin và đảm bảo việc phân phối vắc xin rộng rãi.

Trong khi phải đối phó với biến thể Delta, các nước châu Á cũng phải đối mặt với biến thể Lambda. WHO đã chỉ định Lambda là “biến thể cần quan tâm”, mức thấp hơn so với biến thể Delta là “đáng lo ngại".

Một số nhà nghiên cứu cho rằng biến thể Lambda kháng vắc xin và lây nhiễm mạnh hơn so với phiên bản gốc của SARS-CoV-2. Lambda được phát hiện lần đầu ở Peru vào tháng 8/2020 và đã lan rộng ở Nam Mỹ.

Trong khi đó các chuyên gia Trung Quốc cho rằng vắc xin do nước này sản xuất vẫn hiệu quả đối với biến thể Lambda.

Vừa qua, Nhật Bản đã phát hiện ca mắc biến thể Lambda đầu tiên. Đây là ca có liên quan tới lễ bế mạc Olympic Tokyo gần đây.

Việt Nam liên tục ghi nhận các biến thể Covid-19 mới

Dịch Covid-19 đang có những diễn biễn khó lường. Việt Nam cũng liên tục ghi nhận các biến thể mới, số lượng ca bệnh đang gia tăng những ngày qua đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...

Theo các chuyên gia, sự biến chủng của virus là hết sức tự nhiên, đó cũng là bản chất của các loại virus nói chung. Kể từ khi bùng phát thành đại dịch toàn cầu, SARS-CoV-2 liên tục sản sinh và đã có hàng trăm biến chủng, trong đó đáng lo ngại nhất hiện nay là biến thể Delta, xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kể từ đầu dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến sáng 15/8, Việt Nam có 265.464 ca Covid-19, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 261.463 ca, trong đó có 94.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 05/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình.

Có 07 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.

05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (144.770), Bình Dương (41.621), Long An (13.885), Đồng Nai (13.070), Bắc Giang (5.794).

Ở đợt dịch trước đó, tính đến ngày 24/2/2021, Việt Nam đã ghi nhận 5 biến chủng gây bệnh Covid-19 gồm: Biến chủng D614G từ Châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); biến chủng B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; biến chủng B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài từ Nam Phi ngày 19/12/2020;

Biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Hồ Chí Minh và biến chủng ghi nhận mới đây tại ca bệnh nhân tử vong người Nhật Bản cũng như chùm ca bệnh tại Hà Nội. Trong 5 biến chủng nêu trên, biến chủng Anh B.1.1.7 được xác định có khả năng lây lan nhanh.

Biến thể Delta đang gây ra làn sóng lây lan trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố phía Nam và TP Hồ Chí Minh có khả năng đe dọa thành quả chống dịch của thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu -  nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) thông tin trên báo chí cho biết, 4 chủng virus Corona mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là biến chủng đáng quan ngại được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. WHO đã thống nhất gọi 4 biến chủng mới này theo các ký hiệu bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta.

Trong đó, biến thể Delta (còn gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể virus SARS-CoV-2 chủng mới được ghi nhận lần đầu tiên tại Ấn Độ đã lan rộng hơn sang hơn 100 quốc gia và được coi là biến thể nguy hiểm nhất bởi tốc độ lây lan vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta là một biến chủng mới đáng quan ngại bởi tốc độ lây lan nhanh chóng.

Nếu như biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với các biến thể cũ, thì biến thể Delta còn có khả năng lây lan nhiều hơn gấp 1,5 lần so với biến thể Alpha và làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân (BN) Covid-19 so với các biến chủng khác. Chính vì vậy, tỷ lệ phát hiện F1 cao hơn rất nhiều so với biến thể Alpha.

Bằng chứng là ghi nhận ca F0, F1 gia tăng mỗi ngày tại khu vực phía Nam và chu kỳ lây nhiễm chỉ khoảng 2-3 ngày.

Nguyên nhân chính khiến tốc độ lây lan của biến thể Delta diễn ra nhanh là do nồng độ virus trong hầu họng rất nhiều và khả năng bám dính của virus vào tế bào cơ thể rất nhạy nên chỉ cần tiếp xúc ở cự ly dưới 2m trong thời gian rất ngắn đã có thể nhiễm bệnh.

Đặc biệt, trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí và dễ phát tán, làm tăng khả năng lây lan. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar hay phòng karaoke, xe ô tô…

Khi nồng độ virus thải ra nhiều và độ bám dính nhạy, khả năng mắc và lây lan nhanh và số ca mắc nhiều, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời thì bệnh nhân dễ chuyển biến nặng. Vì vậy cần phát hiện, truy vết nhanh, khoanh gọn và bố trí hệ thống điều trị phân tầng phù hợp, nhằm kịp thời cứu chữa bệnh nhân trở nặng, giảm số lượng tử vong.

Đáng lưu ý, đợt dịch thứ 4 lần này số ca bệnh gia tăng lên nhanh chóng. Trước tình hình trên, ngành y tế sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác khi có ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở.

Ngành y tế sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác. Ảnh: Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 - Nguồn: Bộ Y tế.

Ngành y tế sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác. Ảnh:  Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 - Nguồn: Bộ Y tế.

Lambda nguy hiểm hơn Delta, đã lan đến hơn 40 quốc gia, có khả năng kháng vắc xin

Virus Corona bùng phát vào cuối tháng 12/2019, bắt nguồn từ một chợ hải sản ở Hồ Nam, Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc. Ban đầu được xác nhận là một loại bệnh “viêm phổi lạ” hoặc “viêm phổi không rõ nguyên nhân”, tuy nhiên, chỉ sau 100 ngày xuất hiện, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đã nhanh chóng tác động tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thị trường tài chính chao đảo, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói chưa từng có trong lịch sử.

Theo các chuyên gia, đặc tính của virus SARS-CoV-2 là liên tục biến đổi. Virus có thể biến đổi khi chúng tạo ra các bản sao của chính mình sau khi lây nhiễm. 

Biến thể Delta đã gây một làn sóng dịch ở Ấn Độ, tiếp tục sinh ra các đột biến như Delta Plus để trở thành “biến thể đáng quan tâm” trên thế giới. Hiện có những biến thể đang thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học và đã được đưa vào vùng cảnh báo màu đỏ -  là biến thể Lambda.

Biến thể Lambda (C.37) có nguồn gốc từ Peru, chỉ trong 4 tuần biến thể này đã được phát hiện ở hơn 30 quốc gia trên thế giới, nhiều nhất là ở các nước Nam Mỹ như Peru, Chile, Ecuador và Argentina.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, biến chủng Lambda đã lan rộng đến trên 40 quốc gia, làm gia tăng tử vong và đặc biệt có khả năng kháng vắc xin Covid-19.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, biến chủng Lambda đã lan rộng đến trên 40 quốc gia, làm gia tăng tử vong và đặc biệt có khả năng kháng vắc xin Covid-19.

Biến thể Lambda xuất hiện lần đầu ở Peru hồi tháng 4/2021, khi đó nó chỉ chiếm 1% các ca Covid-19. Nhưng đến tháng 6/2021, biến thể này xuất hiện ở 81% các ca Covid-19, đặc biệt,  Peru  là quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới. Tại Chile, biến thể Lambda chiếm 31% các trường hợp dương tính.

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều 11/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, biến chủng Lambda đã xuất hiện gần đây đã lan rộng đến trên 40 quốc gia; cũng làm gia tăng tử vong và đặc biệt có khả năng kháng vắc xin Covid-19.

Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường.

Đặc biệt, dịch bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với số ca mắc rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe; ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, khả năng tác động, bùng phát của dịch bệnh đã có thể còn lớn hơn nhiều lần nữa nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt như trong thời gian qua.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) theo Quyết định 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021

Phác đồ điều trị đảm bảo tiếp cận tốt nhất với tất cả loại thuốc

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế đã sửa đổi phác đồ điều trị trên cách thức tiếp cận rộng rãi hơn, đảm bảo tiếp cận tốt nhất với tất cả loại thuốc.

Trong chiến lược giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, bên cạnh công tác dự phòng, việc điều trị là ưu tiên trọng tâm với các địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Remdesivir, một trong những loại thuốc được chỉ định điều trị Covid-19. Ảnh: Minh họa.
 
Remdesivir, một trong những loại thuốc được chỉ định điều trị Covid-19. Ảnh: Minh họa.

Tới đây ngành y tế sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác khi có ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở; để đảm bảo vấn đề quản lý và điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tại nhà, ở các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Tầng điều trị này rất quan trọng để bệnh nhân được tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế.

Ngành y tế cố gắng điều trị, không để bệnh nhân Covid-19 nhẹ chuyển biến sang trung bình rồi thành nặng.

Theo Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong thời gian qua, với sự lây lan nhanh của dịch bệnh, của biến chủng Delta, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam tăng rất nhanh. Phân tích dịch tễ, ca bệnh lâm sàng cho thấy khoảng 80% ca mắc là người không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, còn lại 20% là những người có biểu hiện vừa, trung bình.

Trong số 20% những trường hợp vừa và trung bình này có 5% chuyển biến nặng và 0,5-1% diễn tiến rất nặng. Từ mô hình này cũng như kinh nghiệm trong điều trị, Bộ Y tế đã đưa ra chiến lược điều trị mới, cụ thể và bổ sung cho chiến lược hiện nay.

Cụ thể, trước kia việc điều trị bệnh nhân Covid-19 được phân 3 tuyến: nặng điều trị ở tuyến trung ương, trung bình ở bệnh viện tỉnh và nhẹ ở bệnh viện huyện.

Theo ông Khuê, cùng với phân tầng điều trị, hiện nay số lượng ca bệnh tăng cao. Vì thế, cần có sự thay đổi về chiến lược điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong và đảm bảo tất cả người bệnh được tiếp cận y tế.

Căn cứ trên kinh nghiệm quốc tế, mô hình về triệu chứng bệnh học, các chuyên gia nhận thấy có thể điều trị được tại nhà, tại gia đình.

Khi đó, mỗi gia đình trở thành "home care" (tạm dịch: chăm sóc tại nhà) hay một phòng y tế. Ngành Y tế đang xây dựng hướng dẫn thật kỹ như bệnh nhân khi ở nhà thì chăm sóc sức khỏe, cách ly như thế nào; khi diễn biến có sốt, ho, bắt đầu khó thở thì phải liên hệ với ai, đến đâu.

Ông Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ đã sửa đổi các phác đồ về điều trị theo cách thức tiếp cận rộng hơn với tất cả các loại thuốc. Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm, sử dụng thuốc Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá là giảm nhanh nồng độ virus.

Hiện nay, Hội đồng đạo đức, Hội đồng khoa học của Bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp để sớm triển khai khi có thuốc.

Với những đặc tính của biến thể mới của SARS-CoV-2 hiện nay, việc khẩn trương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm dịch Covid-19 là trách nhiệm không của riêng ai.
Người dân hãy tuân thủ thật tốt thông điệp 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”. Mọi người dân cần chủ động cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19;
Hãy tải App NCOVI, cài đặt Khai báo y tế toàn dân để giúp ngành Y tế đảm bảo công tác rà soát, truy vết, khoanh vùng đạt hiệu quả; Chủ động tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép, người đi về từ vùng dịch để được cách ly phòng dịch theo qui định; Tích cực cùng các cấp chính quyền truy vết các trường hợp F1, F2, F3,… cùng điều tra giám sát các trường hợp đi về từ vùng dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ