Tranh cãi về tiêm vắc xin Covid-19 liều thứ 3: Tốt cho người già và người dễ tổn thương?

GD&TĐ - Khi biến thể Delta lan rộng khắp thế giới, triển vọng về mũi tiêm vắc xin “tăng cường” thứ 3 đang thu hút sự quan tâm ngay cả ở những nơi có tỷ lệ người được tiêm chủng cao.

Tiêm vắc xin Covid-19 tại Ecuador.
Tiêm vắc xin Covid-19 tại Ecuador.

Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để biết chắc chắn liệu các quốc gia có cần phải tổ chức tiêm liều vắc xin thứ 3 vào cuối năm nay hay không. Một số ý kiến cho rằng nên dành ưu tiên cho hàng trăm triệu người thậm chí chưa được tiêm mũi đầu tiên.

Tại sao phải tiêm 3 mũi vắc xin?

Vừa qua, các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 là Pfizer/BioNTech cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng của Mỹ và châu Âu cho phép cung cấp liều vắc xin thứ 3 của họ. Họ cho rằng việc này giúp tăng khả năng miễn dịch mạnh hơn.

Các nhà sản xuất vắc xin trên cho biết 2 liều vắc xin của họ chống lại việc mắc Covid-19 trầm trọng trong ít nhất 6 tháng, nhưng khi các biến thể mới xuất hiện, họ dự đoán hiệu quả của liều tiêm sẽ giảm theo thời gian.

Cố vấn y tế chính của Nhà trắng Anthony Fauci cho biết áp dụng liều thứ 3 của Pfizer/BioNTech là “sự chuẩn bị thích hợp cho khả năng bạn cần sự tăng cường miễn dịch nhưng không phải tất cả mọi người đều cần tiêm liều tăng cường”. Ông nói rằng còn quá nhiều người chưa được tiêm đầy đủ 2 mũi, chưa nói đến 3 mũi.

Cơ quan chức năng nói gì?

Hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy các cơ quan y tế sẽ khuyến cáo liều thứ 3 cho tất cả những ai đã tiêm 2 liều.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết vẫn còn quá sớm để nói liệu có cần tiêm liều thứ 3 hay không.

Trong một tuyên bố chung, họ nói rằng “vẫn chưa đủ dữ liệu từ các chiến dịch tiêm chủng và các nghiên cứu đang diễn ra để hiểu được khả năng bảo vệ của vắc xin kéo dài bao lâu, cũng như sự lây lan của các biến thể.”

Giám đốc ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Didier Houssin cho biết ông không tin rằng có đủ bằng chứng để đề xuất liều thứ 3 vào thời điểm này. Ông cũng cảnh báo rằng việc nói về liều thứ 3 có thể “làm trầm trọng thêm mối lo ngại về khả năng tiếp cận vắc xin” vào thời điểm mà hầu hết các quốc gia chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người dân được tiêm chủng đầy đủ.

Hữu ích cho người dễ bị tổn thương và người già

Mặc dù các chiến dịch tiêm hàng loạt mũi thứ 3 dường như chưa được triển khai nhưng một số quốc gia đã bắt đầu tiêm liều thứ 3 cho một số người nhất định. Những người này bao gồm người có hệ thống miễn dịch suy yếu, trong đó có người đã trải qua cấy ghép nội tạng hoặc bị ung thư hay các bệnh về thận.

Pháp và Israel đã bắt đầu tiêm liều thứ 3 cho một số người.

“Dữ liệu gần đây cho thấy phản ứng miễn dịch mà 2 liều tiêm tạo ra là không đủ ở những người ức chế miễn dịch nghiêm trọng” - ủy ban vắc xin của Pháp cho biết. Pháp thông báo “một chiến dịch tăng cường” sẽ bắt đầu vào tháng 9 cho những người đã tiêm đầy đủ vào đầu năm và sẽ bắt đầu chiến dịch này với những người trên 80 tuổi.

Israel thì chỉ ra “một số lượng lớn các ca mắc trong những tuần gần đây” và nguy cơ của bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch để biện minh cho quyết định tiêm vắc xin liều thứ 3.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.