(GD&TĐ) - Ngày 24 tháng 3 hàng năm trở thành ngày thế giới phòng chống bệnh lao khi TS. Robert Koch phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh lao - TB bacillus vào năm 1882. Đây là bước tiến đầu tiên đối với việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Tổ chức Y tế Thế giới đang tích cực làm việc để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do lao xuống một nửa vào năm 2015.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao (Ảnh: MH) |
Việt Nam hiện xếp thứ 12 trong số 22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới, xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 180.000 người mắc và gần 30.000 người chết do bệnh lao. Chương trình Chống lao quốc gia mỗi năm phát hiện khoảng 100.000 bệnh nhân lao và đã chữa khỏi cho 92% số bệnh nhân này. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc cao, ước tính khoảng 5.000-6.000 người. |
Ngày Thế giới Phòng chống lao nhằm nâng cao nhận thức về dịch bệnh lao toàn cầu và những nỗ lực để loại trừ căn bệnh này. 1/3 dân số thế giới hiện đang bị nhiễm lao. Hội Phòng chống lao, một mạng lưới các tổ chức và các quốc gia phòng chống lao, tổ chức Ngày Phòng chống bệnh lao để nhấn mạnh quy mô của dịch bệnh và cách ngăn ngừa và điều trị căn bệnh này.
Để hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh lao năm nay, ngày 23/3, nhiều hoạt động hưởng ứng sự kiện này đã diễn ra ở các địa phương.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội và Trung tâm phòng chống lao và bệnh phổi Hà Đông đã tổ chức lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện nay Việt Nam xếp thứ 12 trong số 22 nước gánh nặng bệnh lao lớn nhất toàn cầu, số người mắc lao chủ yếu trong độ tuổi lao động, vì vậy không chỉ gây tổn hại sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội.
Hiện Việt Nam mới chỉ phát hiện được gần 60% số bệnh nhân lao mới, khoảng 10% bệnh nhân kháng đa thuốc xuất hiện hàng năm. Trong số này, chỉ có 2%-3% được điều trị và quản lý. Tổng số bệnh nhân lao phát hiện mỗi năm gần đây là 5.000 bệnh nhân lao mọi thể, trong đó có 2.500 lao phổi BK dương tính được điều trị bằng DOST, tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đạt trên 90%. Đây là cố gắng của những người làm công tác chống lao của thành phố Hà Nội.
Thực hiện mục tiêu Chương trình chống lao Quốc gia phấn đấu giảm 50% số người nhiễm lao so với năm 2000 và thanh toán bệnh lao vào năm 2030, trong năm 2012, công tác phòng chống lao của Hà Nội cần phải triển khai nhanh, mạnh hơn với sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và người dân.
Năm 2011, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã khám cho 77.388 người nghi lao tại các tuyến (đạt 129% chỉ tiêu năm), đạt 1% dân số được khám nghi lao. Chương trình chống lao đã tổ chức nhiều đợt khám phát hiện chủ động tại các Trung tâm Giáo dục lao động của thành phố nhằm nâng cao tỷ lệ người dân thành phố được khám phát hiện bệnh lao và góp phần vào các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng... Bệnh viện đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, giải pháp kỹ thuật và hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân lao.
Trước đó, ngày 18/3, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Chương trình chống Lao quốc gia tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày thế giới phòng chống lao" và chương trình đi bộ đồng hành với chủ đề "Phòng chống lao vì sức khỏe cộng đồng.
Hơn 5.000 người đã tham gia tại Quảng trường Công viên Thống nhất, Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và phát động chương trình đi bộ đồng hành.
Tại Nam Định, Ban chỉ đạo chương trình chống lao tỉnh Nam Định phối hợp với Sở Y tế tỉnh đã tổ chức phát động Tháng hành động phòng chống bệnh lao với chủ đề “Vì Việt Nam không còn bệnh lao.” Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao 24/3.
Tháng hành động phòng chống bệnh lao năm nay sẽ tập trung vào các hoạt động tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng về bệnh lao, lao/HIV và lao đa kháng thuốc, với các sự kiện như mít tinh, diễu hành cổ động về bệnh lao; treo băng rôn tại những nơi tập trung đông người; tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV cho người mắc lao và khám sàng lọc cho người HIV (+).
Cùng với đó, kêu gọi tăng cường đầu tư nguồn lực của các cấp chính quyền cho công tác chống lao; nâng cao kiến thức của cộng đồng về bệnh lao, giảm mặc cảm và kỳ thị về bệnh lao của người dân, cũng như bệnh nhân lao; huy động các ngành, các tổ chức xã hội, người bệnh lao và cộng đồng tham gia vào công tác phòng chống lao. Tăng cường phối hợp y tế công, tư trong phòng chống bệnh lao đến các cơ sở y tế công, tư ngoài Chương trình chống lao, cũng như một số xí nghiệp, nhà máy lớn trên địa bàn.
Năm 2011, Nam Định đã phát hiện 1.823 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lao. Trong đó, lao phổi AFB (+) là 1.102 trường hợp; lao phổi AFB (-), LNF là 721 trường hợp; lao trẻ em là 28 trường hợp; lao/HIV là 77 trường hợp và lao kháng thuốc là 21 trường hợp.
Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Trung ương, thách thức khách quan đối với Chương trình Chống lao quốc gia là tình trạng đồng nhiễm lao/HIV và lao đa kháng thuốc tăng lên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, còn nhiều thách thức chủ quan như: thiếu hụt về nhân lực; thiếu sự phối hợp y tế công-tư và cơ chế điều phối, Luật khai báo các ca bệnh theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm chưa được thực hiện nghiêm túc... Để hoạt động phòng chống lao hiệu quả hơn, thời gian tới, chương trình Chống lao quốc gia tiếp tục tăng cường phát hiện sớm và nhiều nhất tất cả các thể lao; duy trì tỷ lệ điều trị khỏi cao; phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc so với ước tính năm 2000, khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc bằng mức năm 2010 và thanh toán bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030.
Lộc Hà