Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa máy bay quân sự lên đá Chữ Thập

Việt Nam trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc phản đối việc nước này đưa máy bay quân sự Y-8 xuống đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.

Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa máy bay quân sự lên đá Chữ Thập
Máy bay Y-8 hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập để đưa ba công nhân bị bệnh về Tam Á. Ảnh: ChinaNews

Máy bay Y-8 hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập để đưa ba công nhân bị bệnh về Tam Á. Ảnh: ChinaNews

"Ngày 20/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối", ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hôm nay cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ.

"Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam", ông Bình nói và cho biết hành động nói trên của Trung Quốc là một diễn biến mới làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Ông Bình cho hay Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài ở khu vực này, dù với bất kỳ lý do gì, mà không được phép của Việt Nam đều phi pháp.

Trước đó truyền thông Trung Quốc cho hay máy bay Y-8 của hải quân nước này mang số hiệu 9271 hôm 17/4 ngang nhiên hạ cánh xuống đá Chữ Thập để đưa ba công nhân bị bệnh bay về thành phố Tam Á, đảo Hải Nam để điều trị. Máy bay này tuần trước đang hoạt động tại Biển Đông. Khoảng 13h50 cùng ngày, phi cơ hạ cánh xuống sân bay Phượng Hoàng ở Tam Á.

Theo một trang tin quân sự của Trung Quốc, chiếc Y-8 mang số hiệu 9271 là một trong 4 chiếc máy bay Y-8X chuyên thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tuần tra biển, thu thập thông tin trên biển của quân đội Trung Quốc. Việc Trung Quốc đưa chiếc trinh sát cơ đội lốt vận tải cơ này lên đá Chữ Thập bị giới quan sát cho là hành động mang tính quân sự hóa, bởi Trung Quốc hoàn toàn có thể đưa máy bay dân sự để thực hiện việc vận chuyển người bệnh.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai hạ cánh máy bay quân sự lên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3.000 m, là một trong ba đường băng Bắc Kinh xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc từ 2014 cải tạo và xây dựng phi pháp ít nhất 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đầu tháng một, Trung Quốc liên tục dùng máy bay dân sự thử nghiệm hạ cánh ở đường băng trên đảo nhân tạo nước này xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập. Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó cũng đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối nước này điều máy bay phi pháp ra đá Chữ Thập.

Cũng tại cuộc họp báo, một phóng viên đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long ra đá Chữ Thập, dự kiến đưa phóng viên ra đảo Phú Lâm và tuyên bố sẽ mở tuyến hàng không dân dụng từ đảo Hải Nam ra đảo Phú Lâm.

Ông Bình cho biết Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc không để tái diễn các hành động tương tự. Việt Nam hết sức quan ngại trước những thông tin này và một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Người phát ngôn cho rằng những hành động đó không chỉ vi phạm chủ quyền Việt Nam, gây căng thẳng tình hình Biển Đông, mà còn trái với tinh thần Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như thỏa thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ