(GD&TĐ)-Đó là khuyến nghị của các chuyên gia ADB tại Hội nghị Thách thức kinh tế tài chính toàn cầu 2012 do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á và Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc tổ chức ngày hôm nay (23/4) tại Hà Nội.
Các DNNN cần nâng cao hiệu quả hơn (ảnh MH) |
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, trong quý 1 năm nay, kinh tế vĩ mô ở Việt Nam bắt đầu ổn định: CPI giảm dần, quý 1 chỉ tăng 2,55% so với tháng 12 năm 2011. Đặc biệt, trong tháng 4, CPI chỉ tăng 0,05% là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn: Tăng trưởng quý 1 chỉ đạt 4%, thấp nhất từ năm 2009 đến nay; Bắt đầu có dấu hiệu suy giảm kinh tế; công nghiệp chế biến và xây dựng sụt giảm, tổng cầu trong nước giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Các chuyên gia ADB đánh giá cao những nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua của Việt Nam đồng thời khuyến nghị Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa cải cách doanh nghiệp Nhà nước – khu vực tiêu tốn quá nhiều nguồn lực và để tuột mất nhiều cơ hội đầu tư đáng giá.
Phát biểu tại hội thảo “Những thách thức kinh tế tài chính toàn cầu năm 2012,” đại diện ADB cho rằng, nhiều doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp lớn có chung tình trạng hoạt động thiếu hiệu quả, tiêu tốn quá nhiều nguồn lực và để tuột mất nhiều cơ hội đầu tư đáng giá.
Nói về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong vấn đề này, ông Young Chul Chang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổng công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (Kamco) chia sẻ, sau khi Hàn Quốc tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp Nhà nước, năng lực của nhiều doanh nghiệp đã khác hẳn.
“Sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp này đã hoạt động hiệu quả hơn hẳn, năng lực cạnh tranh của nhiều nơi cũng đã thay đổi đáng kể,” ông Young Chul Chang nói.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Việt Nam đang phải đối mặt với một số khó khăn, trong đó có việc tổng cầu trong nước giảm (ảnh Đức Chính) |
Ông Bindu Lohani, Phó Chủ tịch Quản lý tri thức và Phát triển bền vững Ngân hàng phát triển Châu Á khuyến cáo: “Ở Việt Nam, Chính phủ đang nỗ lực cải cách doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước nhỏ. Tổ chức của chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình cải cách này. Chính phủ đã cam kết sẽ cải cách thêm 21 doanh nghiệp nhà nước để các tập đoàn lớn tăng cường hiệu quả. Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để cải tổ những doanh nghiệp này.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Việt Nam đang phải đối mặt với một số khó khăn, trong đó có việc tổng cầu trong nước giảm hay một số ngành công nghiệp chế biển có dấu hiệu suy giảm.
Bên cạnh đó, chỉ số hàng tồn kho tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái cùng với việc giải ngân ODA quý I có biểu hiện giảm cũng là thách thức không nhỏ với nền kinh tế trong nước.
Trong thời gian tới Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp tài chính đã đặt ra để đạt mục tiêu tăng trưởng cũng như không để bùng phát lạm phát.
Hải Minh-Đức Chính