Một bác sĩ ở Mumbai (Ấn Độ) đã lấy một viên sỏi nặng 1 kg bằng quả dừa ra khỏi bàng quang của một cậu bé 17 tuổi ở Kolkata. Ca phẫu thuật được thực hiện miễn phí vì cậu bé là trẻ mồ côi.
Theo đó, chàng trai trẻ có tên là Reuben Sheikha sống ở thành phố Kolkata, Ấn Độ được sinh ra với lỗ tiểu lộ ra ngoài và dương vật dị dạng.
Reuben Sheikha bị chứng Exstrophy-Epispadias Complex (EEC).Tình trạng này có nghĩa là bàng quang bị hở không thể lưu trữ nước tiểu hoặc hoạt động bình thường, dẫn đến rò rỉ nước tiểu. EEC là một tình trạng hiếm gặp chỉ xảy ra với tỷ lệ 1/100.000 ca sinh nở.
Tiến sĩ Rajiv Redkar đã cho Reuben Sheikha một cuộc sống mới lần thứ hai khi điều trị cho cậu bé khoảng 15 năm trước.
Ông đã tiến hành phẫu thuật nâng bàng quang để tăng kích thước bàng quang của Reuben và thủ thuật Mitrofanoff để tạo một ống trên bụng của chàng trai trẻ để anh ta có thể đi tiểu bằng ống thông.
"Ống này được làm từ ruột thừa và nó kết nối bàng quang với một lỗ nhỏ được tạo ra ở rốn. Tuy nhiên, sau khi điều trị, Reuben quay trở lại Kolkata và không được theo dõi", bác sĩ Redkar, chuyên gia phẫu thuật nhi khoa tại bệnh viện SL Raheja, Mahim-Fortis Associate nói với phóng viên.
Sau khi Reuben cảm thấy khó chịu, đau đớn và không thể kiểm soát được việc đi tiểu, chàng trai trẻ này đã liên lạc với bác sĩ Redkar vào tháng trước. Reuben cũng đã đến Mumbai (Ấn Độ) cùng với một người giám hộ địa phương.
Bác sĩ Redkar cùng với bác sĩ Suresh Bhagat, chuyên gia tiết niệu và bác sĩ Asmita Mahajan, chuyên gia về trẻ sơ sinh tại bệnh viện SL Raheja, Mahim -Fortis Associate đã thực hiện một cuộc phẫu thuật loại bỏ một viên sỏi canxi oxalat "khổng lồ" ra khỏi bàng quang của Reuben vào ngày 30/6 vừa qua.
Các bác sĩ sau đó đã tái tạo lại bàng quang và đường tiết niệu cho Reuben. Viên sỏi có chiều dài 34 cm và nặng 1 kg.
"Reuben đã phản ứng rất tốt với ca phẫu thuật. Thận của cậu bé được bảo vệ tốt và hoạt động tốt. Một trường hợp như vậy cần được kiểm soát tình trạng lâu dài bằng cách theo dõi và kiểm tra thường xuyên", bác sĩ Redkar nói.