Viện phí: Tính đúng, không thể tính đủ

Viện phí: Tính đúng, không thể tính đủ

Khi lấy ý kiến điều chỉnh tăng giá viện phí, Bộ Y tế đã quên lấy ý kiến nhân dân và đại biểu dân cử. Liệu khi tăng viện phí, chất lượng dịch vụ có tăng không? Bác sĩ học cùng trường, cùng chuyên khoa nhưng giá khám bệnh lại khác nhau nếu làm khác hạng bệnh viện là không công bằng… Đó là những chất vấn của các đại biểu tại ngày thứ hai, 7-8 của hội thảo Đại biểu dân cử phía Nam với chính sách, pháp luật y tế do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc Hội (gọi tắt là UB) tổ chức tại TP.HCM.

Chỉ thu những gì ngân sách không chi

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, trong số khoảng 3.000 dịch vụ y tế đang thực hiện có khoảng 350 dịch vụ mà khung giá từ năm 1995 và theo nguyên tắc, chỉ tính một phần các chi phí trực tiếp (30%-35%) để thực hiện dịch vụ. Sau 15 năm, nếu tiếp tục thực hiện thì sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí cho các đơn vị thực hiện các dịch vụ y tế.

Giá viện phí tăng, người nghèo đã được nhà nước lo, tuy nhiên phần đồng chi trả (5%) cũng sẽ tăng lên và gánh nặng sẽ nặng hơn.
Giá viện phí tăng, người nghèo đã được nhà nước lo, tuy nhiên phần đồng chi trả (5%) cũng sẽ tăng lên và gánh nặng sẽ nặng hơn.

Ông Liên cho rằng kỹ thuật y tế ngày càng phát triển, các bệnh viện đưa máy móc, trang thiết bị mới, phương pháp điều trị hiện đại vào ứng dụng làm cho kinh phí tăng lên. Song song đó, kinh phí để đảm bảo thường xuyên của bệnh viện và thực hiện các dịch vụ y tế cũng tăng. Thí dụ tiền điện từ năm 1995 giá 640 đồng/kWh, hiện nay là 1.170 đồng/kWh; tiền nước 2.000 đồng/m3 lên 6.270 đồng/m3; xăng dầu từ 4.700 đồng/lít lên 16.000 đồng/lít. Ngoài ra, giá của hầu hết các loại thuốc, vật tư, hóa chất đều tăng so với năm 1995.

Việc tăng 350 dịch vụ (tương đương 12%) là tăng so với mức thu quy định tại Thông tư 14 năm 1995 chứ không phải tăng so với chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ tính theo thời giá năm 1995. Hiện có 220 dịch vụ có mức điều chỉnh tăng tối đa dưới 2,5 lần, khoảng 60 dịch vụ dự kiến điều chỉnh tăng tối đa 2,5-5 lần và khoảng 70 dịch vụ tăng dự kiến là 7-10 lần.

“Việc tăng này cũng chỉ thu một phần viện phí. Chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư, hóa chất, điện, nước và các chi phí hành chính trực tiếp phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị. Trên nguyên tắc thì tính đúng, tính đủ nhưng phần nào ngân sách nhà nước đã chi thì không tính vào giá và không thu, do vậy giá dịch vụ y tế điều chỉnh lần này không bao gồm khấu hao tài sản cố định, tiền lương của cán bộ y tế, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị” - ông Liên giải thích.

Tính sao cho dân chịu đóng tiền

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm UB, cho rằng viện phí không phải là tăng mà là tính lại, giờ nhà nước bao cấp không nổi nữa thì nhân dân tham gia đóng góp một phần viện phí cùng nhà nước. Trên quan điểm là tính đúng chứ không thể tính đủ. Tính đúng là đúng phần nào vật tư tiêu hao dùng cho người bệnh, phục vụ cho điều trị. Từ đó quy định nhà nước trả bao nhiêu, người dân đóng góp bao nhiêu.

Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, cần thay đổi viện phí để tạo động lực. Tuy nhiên, việc áp giá khám bệnh khác nhau ở các hạng khác nhau là chưa công bằng, bởi bác sĩ cùng ra trường, cùng chức danh, làm ở các hạng khác nhau thì chênh lệch quá lớn. Thí dụ bác sĩ ở BV Chợ Rẫy khám một lần 30.000 đồng, còn về xã chỉ có 8.000-10.000 đồng, trong khi Chợ Rẫy lại có nhiều nguồn thu khác. Ở các nước trên thế giới, giá khám bệnh giống nhau, chỉ có dịch vụ kỹ thuật khác nhau. “Nếu vấn đề viện phí đã bất cập thật sự thì đến lúc ngành y tế phải thống kê hết cho cộng đồng biết để nhà nước cho bao nhiêu thì cho, người dân đồng thuận bao nhiêu thì được!” - ông Vĩ nói.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm UB, cho rằng Bộ Y tế nên yêu cầu các sở y tế địa phương xin ý kiến HĐND tỉnh về vấn đề điều chỉnh tăng giá viện phí. Từ đó, Bộ tập hợp và giải trình cụ thể để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

“Viện phí dứt khoát phải tính lại nhưng phải làm cho người bệnh đóng viện phí mà thấy rằng cần phải đóng. Nếu UB có điều trần giá thuốc trước Quốc hội, báo chí thì tôi cũng mong điều trần viện phí trước khi cho ban hành, bởi giá thuốc cũng chỉ mới là một phần của viện phí” - bà Thu nói thêm.

Dự thảo mức thu viện phí mới có quy định khung giá tối đa và tối thiểu. Mỗi loại bệnh viện, loại giường điều trị theo chuyên khoa có khung giá khác nhau. Ví dụ khung giá giường nội khoa tối thiểu là 20.000 đồng và tối đa là 100.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng được thu 100.000 đồng/ngày mà mức này chỉ áp dụng cho các khoa nhiễm, hô hấp, ung thư, tim mạch… thuộc bệnh viện hạng nhất, hạng đặc biệt. Còn lại các khoa, bệnh viện hạng khác phải thu thấp hơn. Đối với bệnh viện trực thuộc tỉnh thì mức thu cụ thể do chủ tịch UBND tỉnh quy định. Đối với bệnh viện thuộc trung ương thì mức thu do Bộ Y tế quy định.

Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế

Theo PL TP.HCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ