Viễn cảnh hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trong bài phát biểu ngày 21/9, Thổng thống Putin đã ban bố lệnh động viên một phần và nhắc lại việc sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nga.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra hồi tháng 2/2022, phương Tây đã hạ thấp khả năng cuộc chiến dẫn đến tình trạng leo thang hạt nhân trên thế giới.

Lần đầu tiên Tổng thống Nga Putin nhắc đến việc đặt kho vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động chiến đấu cao là tháng 2. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, ông Putin chỉ đang cố gắng “đe dọa các bên liên quan”. Tuy nhiên, phương Tây không còn xem nhẹ những cảnh báo gần đây của Nga vì mối nguy căng thẳng leo thang đã cận kề.

Trong bài phát biểu ngày 21/9, Thổng thống Putin đã ban bố lệnh động viên một phần và nhắc lại việc sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nga. Cảnh báo này được đưa ra sau khi NATO đưa ra tuyên bố họ có khả năng và có thể cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga.

Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Khi sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị đe dọa, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả phương tiện để bảo vệ đất nước và người dân Nga. Đây không phải lời nói suông”.

Trên thực tế, cho đến nay, phương Tây vẫn hạn chế chuyển giao tên lửa tầm xa và các loại vũ khí có thể đe dọa lãnh thổ Nga cho Ukraine vì lo sợ Điện Kremlin sẽ “trả đũa” châu Âu.

Tuy nhiên, những tổn thất gia tăng của Nga trong những tuần qua đã đẩy nước này vào tình thế căng thẳng. Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân với chiến thuật ở mức độ hạn chế nhưng đủ để phô trương sức mạnh hoặc phá huỷ một số mục tiêu của đối thủ.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có sức nổ tương đương khoảng 15 đến 21 kiloton, có thể tiêu diệt một đội xe tăng hoặc nhóm tác chiến tàu sân bay trên biển. Hiện nay, Nga có khoảng hai nghìn loại vũ khí như vậy.

Những nguy cơ tiềm ẩn của chiến tranh hạt nhân đã được thấy rõ. Theo các học giả từ Trường Đại học Rutgers Mỹ, vũ khí hạt nhân có thể trực tiếp giết chết hàng triệu người. Ngoài ra, muội than từ các thành phố bị phá huỷ và cháy rừng phân tán trong bầu khí quyển có thể dẫn đến cái chết gián tiếp cho hơn 5 tỷ người.

Trước những hậu quả đáng chú ý trên, điều cấp bách hiện nay là Mỹ và phương Tây cần phải làm gì nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Liệu NATO có thể triển khai vũ khí tương tự để chống lại Nga rồi từ đó thúc đẩy chiến tranh hạt nhân trên toàn cầu?

Câu hỏi này sẽ đặt nặng lên vai Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhiệm vụ của ông Biden giờ đây tương đối rõ ràng. Đó là dẫn dắt thế giới vượt qua thảm họa hạt nhân báo động lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Những thách thức khác như lạm phát, dịch Covid-19, biến đổi khí hậu... đều mờ nhạt trước nguy cơ chiến tranh leo thang tại Ukraine.

Tuy nhiên đến nay, ông Biden vẫn lựa chọn phương án mơ hồ đó là lên án hành động của Tổng thống Nga Putin khi đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân nhưng Mỹ chưa đưa ra thêm bất cứ hành động trực tiếp, cụ thể nào. Điều này có thể tránh leo thang căng thẳng với Nga hoặc dồn nước Nga vào thế bí, buộc phải sử dụng đến vũ khí nguy hiểm kia.

Nhưng đồng thời phương án này cũng cho thấy sự thận trọng của Mỹ và NATO. Phương Tây có thể không muốn lún sâu vào kịch bản xung đột trực tiếp với Nga.

Chiến tranh là thảm họa đối với tất cả người dân trên thế giới, đặc biệt là với Ukraine. Đó là lý do các chuyên gia, tổ chức trên thế giới luôn kêu gọi các bên liên quan “giữ cái đầu lạnh” trước khi quá muộn. Cần nhấn mạnh rằng, sẽ không có chiến thắng nào trong chiến tranh hạt nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ