Việc làm cho thanh niên giai đoạn phục hồi: Kỹ năng nghề và an sinh tạo áp lực lên người lao động

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo dự báo của các tổ chức quốc tế (WB, IMF), Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại cao ở mức 6% - 6,5% vào năm 2022. Trong bối cảnh đó, thách thức tiếp cận cơ hội việc làm cho lao động thanh niên trong giai đoạn này là rất lớn.

Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động để thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Ảnh minh họa
Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động để thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Ảnh minh họa

Cung và cầu lao động bị thu hẹp

Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi con người, xã hội và từng doanh nghiệp phải rất năng động, linh hoạt, có khả năng chống chịu và thích ứng.

TS Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu gây cản trở đà phục hồi của kinh tế thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Các tác động tiêu cực này trong năm 2021 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến năm 2022 và những năm tiếp theo của giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế (WB, IMF), Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại cao ở mức 6% đến 6,5% vào năm 2022. Trong bối cảnh đó, thách thức tiếp cận cơ hội việc làm cho lao động thanh niên trong giai đoạn này là rất lớn.

Đại dịch dẫn đến suy giảm lực lượng lao động thanh niên và đồng thời hàng trăm nghìn thanh niên bị mất việc làm. Do đó, thanh niên bị đẩy vào trạng thái cả cung và cầu lao động bị thu hẹp. Từ đó, góp phần làm tăng nguy cơ đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung lao động ở các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, lao động di cư mà phần đông là lao động thanh niên mang tâm lý nặng nề, lo sợ dịch bệnh, rút khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh, rời bỏ nơi cư trú. Điều này làm phá vỡ, đứt gãy các liên hệ và thiếu thông tin trên thị trường lao động. Hơn nữa, di chuyển lao động gặp khó khăn do tâm lý e ngại của người lao động về dịch bệnh.

Đồng thời, quy mô khu vực có quan hệ lao động bị thu hẹp dẫn đến việc chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang phi chính thức khiến chất lượng việc làm suy giảm. Lực lượng thanh niên, đặc biệt lao động có trình độ thấp, lao động giản đơn là những đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp tại các địa phương.

Theo TS Trịnh Thu Nga, thách thức trong việc làm của thanh niên là rất lớn, nhưng không có nghĩa là không thể vượt qua. Trong thời gian tới, việc nhận dạng các ngành và khu vực tiềm năng trong tạo việc làm thỏa đáng cho thanh niên là hết sức cần thiết.

Các can thiệp này cũng bao gồm cả các biện pháp để đưa thanh niên ra khỏi đói nghèo hay việc làm dễ bị tổn thương. Đồng thời hỗ trợ họ chuyển đổi từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.

Cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho người lao động

Muốn thực hiện được mục tiêu này, theo bà Nga, cần có các biện pháp tăng cường giải quyết việc làm cho thanh niên trong giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội. Đó là, các bộ, ngành và các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ. Trong đó cần chú trọng các biện pháp đột phá để phục hồi và phát triển việc làm thanh niên.

Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên trở lại các thành phố, khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc. Chính quyền các địa phương, đoàn thanh niên các cấp và các doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ để khuyến khích và cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho người lao động.

Ngoài ra, trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy vai trò của các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm của đoàn thanh niên. Các cấp bộ Đoàn, Hội cần phải phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường mở rộng hơn nữa các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm.

Cụ thể như hội chợ việc làm, ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm, cổng thông tin điện tử, các câu lạc bộ lập nghiệp... Trong đó, cần tập trung tăng cường các giao dịch việc làm trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của thanh niên.

Cùng với đó, cần thúc đẩy, khuyến khích thanh niên làm chủ doanh nghiệp và tự tạo việc làm. Theo TS Trịnh Thu Nga, đây là một biện pháp quan trọng để làm tăng việc làm dài hạn và triển vọng thu nhập cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn.

Hơn nữa, cần đẩy mạnh đào tạo nâng cao kỹ năng cho thanh niên nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong điều kiện bình thường mới.

Từ đó, có cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hút thanh niên và lao động trẻ. Đặc biệt những người đang thất nghiệp vì đại dịch tích cực học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, nhất là kỹ năng số.

Các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng phương án và tổ chức đào tạo. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Tích cực phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương để tổ chức đào tạo hiệu quả cho người lao động thất nghiệp chưa tìm được việc làm.

TS Nga cũng cho rằng, cần thực hiện có hiệu quả Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Mục đích nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động để thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Bên cạnh đó, đào tạo phổ cập nghề cho người lao động có kỹ năng thấp. Đào tạo nhân lực chất lượng cao sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới, phục vụ cho chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hỗ trợ đào tạo nghề để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được học nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.