Lan tỏa tinh thần coi trọng kỹ năng nghề nghiệp

GD&TĐ - Vững tay nghề và thích nghi với áp lực công việc là những kỹ năng quan trọng không chỉ giúp cho thí sinh có đủ khả năng giành chiến thắng trong những cuộc thi, mà còn giúp họ nhanh chóng tiếp cận với môi trường làm việc thực tế để phát triển sự nghiệp.

Trần Nguyễn Bá Phước chia sẻ tại Tọa đàm kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế ở Việt Nam
Trần Nguyễn Bá Phước chia sẻ tại Tọa đàm kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế ở Việt Nam

Chia sẻ của người chiến thắng

Anh Trần Nguyễn Bá Phước, cựu sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đang làm việc tại Samsung Việt Nam Mobile Center, người cách đây 2 năm đã trở thành một trong ba thanh niên giỏi nhất thế giới nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin.

Kể về quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2017 tại Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), anh Phước cho biết: Anh được Tập đoàn Samsung đưa sang Hàn Quốc huấn luyện nghề suốt 15 tháng.

Trong thời gian huấn luyện, anh Phước đã được trau dồi các kiến thức, kỹ năng như: Phân tích và giải quyết tình huống, giao tiếp, ứng phó với rủi ro và phán đoán… Những kỹ năng quan trọng này đã giúp anh Phước rất nhiều để chiến thắng trong Kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2017 cũng như quá trình phát triển nghề nghiệp sau này.

“Từ kỳ thi, tôi được trao đổi và học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia của Việt Nam và Hàn Quốc về lĩnh vực mình theo đuổi. Việc chuẩn bị và tham gia Kỳ thi Tay nghề thế giới đã giúp tôi rất nhiều trong việc định hướng sự nghiệp của mình. Bên cạnh đó, tôi còn có cơ hội để cập nhật, theo sát những công nghệ mới nhất của khu vực và thế giới, giúp cho kỹ năng tay nghề được phát triển không chỉ trong môi trường học tập mà còn tiếp cận nhanh chóng với môi trường làm việc để phát triển” - anh Phước chia sẻ.

Sau cuộc thi, anh Phước được Công ty Samsung Việt Nam Mobile Center, một trung tâm chuyên nghiên cứu phát triển phần mềm điện thoại di động mời về làm việc. Trong công việc, công ty luôn đòi hỏi anh Phước cũng như các đồng nghiệp của mình phải liên tục thay đổi để bắt kịp với xu hướng phát triển công nghệ của thế giới.

Đưa kiến thức trở thành kỹ năng

Trần Nguyễn Bá Phước giành Huy chương Đồng nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin tại kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2017
Trần Nguyễn Bá Phước giành Huy chương Đồng nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin tại kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2017

Trao đổi kinh nghiệm về quá trình học tập và lập nghiệp, anh Phước cho rằng: Lý thuyết chỉ là một phần, nhưng kỹ năng là rất quan trọng để có thể áp dụng kiến thức đã học vào công việc. Các bạn trẻ hiện nay thường tập trung quá nhiều vào việc học lý thuyết mà coi nhẹ phần thực hành, khiến cho khi bắt tay vào công việc thực tế thường gặp phải trở ngại.

Những trở ngại đó khiến các bạn thấy mình bị thụt lùi so với đồng nghiệp và không tự tin vào bản thân. Để trở thành một người giỏi một nghề, quan trọng là phải giỏi kỹ năng, nghĩa là mình phải áp dụng được kiến thức đã học vào công việc của mình.

Ông Lê Văn Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: Trần Nguyễn Bá Phước được xem là một tấm gương điển hình của thanh niên trẻ có trình độ nghề nghiệp cao. Tại Kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2017, Phước đã xuất sắc giành Huy chương Đồng nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin.

Từ sự thành công của anh Phước, ông Chương cho rằng, thanh niên Việt Nam hoàn toàn có đủ phẩm chất, kỹ năng để đạt được trình độ nghề nghiệp bậc cao, nếu được học tập và rèn luyện tốt. Hiện nay, do quan niệm và nhận thức chưa đúng đắn về con đường lập nghiệp mà nhiều bạn trẻ có xu hướng coi thường kỹ năng nghề, khiến cho lao động Việt Nam có phần yếu thế khi phải cạnh tranh lao động trong khu vực và thế giới.

Việc ngày càng có nhiều người trẻ đạt thành tích xuất sắc các cuộc thi tay nghề khu vực, thế giới, sẽ giúp lan tỏa tinh thần coi trọng kỹ năng nghề nghiệp. Từ đó thúc đẩy thanh niên chọn nghề theo sở thích, theo năng lực và thích ứng với yêu cầu chất lượng nhân lực của thị trường lao động.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế, thì việc tổ chức và tham gia các kỳ thi tay nghề là một giải pháp hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên, tôn vinh những lao động trẻ có kỹ năng xuất sắc.

Những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều hoạt động cụ thể và ban hành các chính sách, giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên theo Quyết định 1665/TTg – CP. Đặc biệt là việc cứ hai năm một lần phát động mạnh phong trào thi đua rèn luyện tay nghề giỏi khắp cả nước cho các lao động trẻ là thanh niên thông qua việc tổ chức các kỳ thi tay nghề từ cấp cơ sở, Bộ, ngành, địa phương đến cấp quốc gia thu hút hàng nghìn lao động trẻ tham gia ở mỗi kỳ thi.

Tham gia các kỳ thi khu vực và quốc tế, tại các Kỳ thi tay nghề ASEAN, Đoàn Việt Nam luôn được xếp hạng trong 3 quốc gia hàng đầu tại các kỳ thi tay nghề ASEAN, là một trong hai quốc gia cùng với Thái Lan đã 3 lần xếp thứ nhất toàn đoàn.

Tại các Kỳ thi tay nghề thế giới, Việt Nam đã giành được nhiều chứng chỉ tay nghề xuất sắc. Trong những năm gần đây, do đổi mới và đẩy mạnh xã hội hóa các chương trình đào tạo, huấn luyện thí sinh, Việt Nam đã 2 lần đoạt huy chương Đồng tại Kỳ thi tay nghề thế giới các năm 2015 và 2017.

Được tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới là một may mắn lớn và là mong ước của hàng triệu thanh niên trong độ tuổi bắt đầu sự nghiệp. Thí sinh tham gia cuộc thi không chỉ để lấy thành tích, mà đó còn là cơ hội để trao đổi, tiếp cận với các chuyên gia, thí sinh của các nước phát triển, cập nhật được các kiến thức mới… giúp cho việc phát triển nghề nghiệp lâu dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.