Video hiếm bên trong nhà máy sản xuất Sarmat

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hôm 7/10, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố video hiếm bên trong nhà máy sản xuất siêu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat.

Bên trong nhà máy sản xuất siêu tên lửa Sarmat
Bên trong nhà máy sản xuất siêu tên lửa Sarmat

Siêu tên lửa trực chiến

Hình ảnh được công bố ghi lại chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tại Nhà máy Chế tạo máy Krasnoyarsk (Krasmash), nơi đang vận hành dây chuyền sản xuất hàng loạt tên lửa RS-28 Sarmat.

"Những tên lửa sản xuất hàng loạt đầu tiên đang được hoàn thiện trên dây chuyền và sẽ được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong tương lai rất gần. Quá trình chuẩn bị cơ sở hạ tầng vận hành tên lửa cũng đang được tiến hành", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Phát biểu trong chuyến thăm, Bộ trưởng Shoigu khẳng định Sarmat sẽ là nền tảng của lực lượng hạt nhân trên mặt đất, một trong ba trụ cột răn đe chiến lược của Nga.

"Tái trang bị loại vũ khí này cho Lực lượng Tên lửa Chiến lược là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm năng lực quốc phòng của đất nước", ông Shoigu nói.

Bộ trưởng Shoigu đến thăm Krasmash chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo tên lửa RS-28 Sarmat sẽ sớm được triển khai sẵn sàng chiến đấu.

"Chúng ta đã hoàn tất quá trình phát triển tên lửa hạng nặng Sarmat. Những gì còn lại là thủ tục hành chính", tổng thống Nga nói.

Loạt tên lửa đầu tiên sẽ biên chế cho Sư đoàn Tên lửa Cờ đỏ số 62 đóng quân tại quận Uzhur thuộc tỉnh Krasnoyarsk, cách thủ đô Moskva khoảng 3.000 km về phía đông.

Chúng sẽ được đặt trong hầm phóng của tên lửa R-36M2 Voyevoda đời cũ do Liên Xô phát triển, giúp tiết kiệm nguồn lực và thời gian triển khai.

Tên lửa Sarmat dài 35,5 m, có đường kính 3 m, mang lượng nhiên liệu nặng 178 tấn và đạt tầm bắn trên 18.000 km. Đầu đạn cơ bản của Sarmat mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, được trang bị nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.

Đầu đạn có tốc độ tối đa hơn 25.000 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, cũng như có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị đánh chặn.

Thừa nhận

Ngay khi Nga tuyên bố sẵn sàng trang bị Sarmat, tạp chí Military Watch Magazine của Mỹ thừa nhận, lực lượng tên lửa chiến lược Nga sở hữu kho ICBM lớn và tối tân hàng đầu thế giới.

Theo báo Mỹ, việc Nga đưa Sarmat vào trực chiến làm tăng thêm khoảng cách về tiềm năng quân sự của Liên bang Nga và Mỹ.

"Kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ cho đến nay là kho vũ khí lâu đời nhất và kém tiên tiến nhất trên thế giới. Nó bao gồm các tên lửa Minuteman III, được sản xuất từ những năm 1970 và hầu như không trải qua quá trình hiện đại hóa", bài báo viết.

Bài báo nhấn mạnh, trước đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng trên thế giới không có loại tương tự Sarmat. Tổ hợp mới có những đặc tính kỹ thuật, chiến thuật vượt trội và có thể chống lại mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.

"Hệ thống tên lửa Sarmat có khả năng phá hủy một khu vực rộng lớn hơn cả Pháp hoặc bang Texas của Mỹ", bài báo viết và cho biết thêm rằng, Moscow quyết định cho Sarmat trực chiến vì sự can dự liên tục của NATO vào cuộc xung đột Ukraine hiện nay.

Hiện nay, Minuteman III là thành phần cấu thành bộ 3 hạt nhân của Mỹ bao gồm: Tên lửa ICBM, tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSBN) và máy bay ném bom chiến lược.

LGM-30 Minuteman là ICBM khai hoả từ hầm phóng cố định duy nhất đang ở trong biên chế quân đội Mỹ. Tên lửa này do Boeing sản xuất và mang được nhiều đầu đạn phân hướng, dẫn đường độc lập.

Minuteman III vẫn là trụ cột không thể thay thế của trong bộ 3 răn đe hạt nhân của quân đội Mỹ trong suốt 50 năm qua. Phiên bản Minuteman I xuất hiện vào năm 1962, chỉ mang được 1 đầu đạn thông thường.

Đến năm 1965, phiên bản nâng Minuteman II đã có thể mang nhiều loại đầu đạn đơn, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân. Năm 1970, Minuteman III ra đời, ngoài những nâng cấp về tầm bắn và độ chính xác, nó cũng có thể phóng từ xe cơ động.

Minuteman III là loại tên lửa 3 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, trọng lượng 35,3 tấn, chiều dài 18,26m, đường kính thân 1,67m. Nó có thể đạt tầm bắn 13.000km với tốc độ 7km/s.

Đầu đạn của Minuteman III bao gồm nhiều đầu đạn nhỏ, dẫn đường độc lập với sức công phá của mỗi đầu đạn hạt nhân khoảng 170 kiloton tới 500 kiloton. Hiện quân đội Mỹ có khoảng trên 1.000 đầu đạn hạt nhân chuyên sử dụng cho loại tên lửa này.

Ngoài những ICBM phóng từ mặt đất, thành phần cấu thành bộ 3 hạt nhân của Mỹ còn có tàu ngầm chiến lược. Loại tàu ngầm duy nhất có khả năng tấn công hạt nhân của Mỹ thuộc lớp Ohio.

Hải quân Mỹ hiện có 18 chiếc tàu ngầm Ohio, trong đó 14 chiếc có thể phóng tên lửa đạn đạo đầu đạn hạt nhân và 4 chiếc được biến đổi để mang tên lửa hành trình không có khả năng triển khai hạt nhân.

Mười bốn tàu ngầm Ohio có khả năng phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân nằm trong bộ 3 răn đe hạt nhân của Mỹ. Mỗi chiếc có thể lắp được đến 24 tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm Trident II.

Mỗi tên lửa Trident II có thể mang theo từ 8 đến 14 đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu độc lập, ở khoảng cách lên tới gần 10.000km. Nếu là các đầu đạn W76, sức công phá của nó sẽ tương đương 100.000 tấn thuốc nổ TNT còn nếu là đầu đạn W88 lớn hơn, sức công phá sẽ tương đương 475.000 tấn thuốc nổ TNT.

Lực lượng cuối cùng cấu thành bộ 3 hạt nhân của Mỹ là máy bay ném bom chiến lược với thành phần chính là oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit và B-52. Mỗi chiếc B-2 có thể chuyên chở đến 21 quả bom hạt nhân chiến thuật B61-12, hoặc 16 quả bom hạt nhân B83, hoặc 80 quả bom Mk 82 trọng lượng 227 kg.

Cùng với đó, loại tên lửa hạt nhân nổi tiếng được trang bị trên B-52H là AGM-69 SRAM, có trọng lượng 1 tấn, chiều dài 4,83m. Mỹ đã sản xuất 1.500 loại tên lửa này với giá khoảng 500.000 USD/quả.

Clip hiếm về dây chuyền sản xuất tên lửa Sarmat.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ