Tên lửa hành trình hạt nhân Burevestnik khiến cỗ máy chiến tranh Mỹ phá sản

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Dmitry Kornev, với việc sở hữu tên lửa hành trình hạt nhân Burevestnik (Stormbringer), Nga có thể khiến cỗ máy chiến tranh của Mỹ phá sản.

Tên lửa hành trình siêu xa Burevestnik.
Tên lửa hành trình siêu xa Burevestnik.

Burevestnik là gì?

Tên lửa hành trình 9M730 Burevestnik (NATO định danh là SSC-X-9 Skyfall), hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, giúp nó hoạt động trong bầu khí quyển Trái đất trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng.

Công việc phát triển Burevestnik bắt đầu vào tháng 12 năm 2001, ngay sau khi Mỹ tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước ABM.

Burevestnik, có nghĩa là "kẻ gây bão", "nhà tiên tri của cơn bão" hay "chim hải âu" trong tiếng Nga, là những tên được đặt cho tên lửa hành trình tiềm năng vào năm 2018, vài tuần sau khi sự tồn tại của nó được tiết lộ.

Trong khi hầu hết các đặc điểm của Burevestnik, bao gồm cả trọng tải của nó, vẫn được giữ bí mật, thì những thước phim về vũ khí do quân đội công bố đã giúp các chuyên gia hình dung sơ bộ về một số thông số của nó, với đường nét có vẻ gần tương đương với tên lửa Kh-101, dù kích thước của Burevestnik có thể lớn hơn tới hai lần.

Ngoài ra, cánh của tên lửa hành trình được đặt rõ ràng ở phía trên thân Burevestnik, thay vì bên dưới thân tên lửa như trường hợp của Kh-101.

Burevestnik được cho là có động cơ khởi động bằng nhiên liệu rắn, với lực đẩy trong chuyến bay được cung cấp bởi động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tên lửa có chiều dài ban đầu khi phóng khoảng 12 mét, giảm xuống còn 9 mét khi động cơ khởi động tách khỏi tên lửa.

Thông tin chi tiết về sự phát triển và đặc điểm của động cơ hạt nhân nhỏ của Burevestnik vẫn còn là điều bí ẩn.

Tuy nhiên, ngay sau bài phát biểu giới thiệu loại vũ khí này vào tháng 3 năm 2018 của Tổng thống Putin, nguồn tin quân sự Nga tiết lộ rằng các nhà khoa học đã hoàn thành thử nghiệm động cơ hoạt động bằng năng lượng hạt nhân có thể được sử dụng trong tên lửa hành trình và các phương tiện tự lái dưới nước, ám chỉ rằng Burevestnik và Poseidon.

Burevestnik đã trải qua quá trình thử nghiệm trên quần đảo Novaya Zemlya phía bắc Nga, với thử nghiệm thực địa đối với động cơ của nó được hoàn thành vào tháng 1 năm 2019.

Thử nghiệm bổ sung đã được nhiều nguồn khác nhau báo cáo ngay từ tháng 6 năm 2016, với hàng chục vụ phóng trở lên ước tính đã được thực hiện tính đến tháng 8 năm 2023.

Hồi chuông cảnh báo

"Burevestnik sẽ mang lại cho Nga loại vũ khí hạt nhân có công suất thấp với phạm vi hoạt động không giới hạn", Thiếu tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Mike Lyons nói chỉ vài giờ sau bài phát biểu tại Valdai của ông Putin.

"Giả sử Nga triển khai Burevestnik ở Bắc Cực, nơi họ đang thử nghiệm dòng tên lửa này. Họ có thể dễ dàng phóng tên lửa từ các căn cứ ở đó và tấn công các mục tiêu ở Mỹ mà không cần sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)", Lyons giải thích.

Vào năm 2020, Giám đốc Tình báo Quốc phòng Anh lúc đó là Trung tướng Jim Hockenhull đã cảnh báo rằng, Burevestnik có phạm vi tiếp cận toàn cầu một cách hiệu quả và sẽ cho phép tấn công từ những hướng bất ngờ, mang lại cho Moscow một loại vũ khí có thời gian bay gần như vô hạn.

Kết hợp với khả năng của Poseidon, điều này sẽ cho phép người Nga khiến cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự của Vương quốc Anh và các đồng minh của nước này có nguy cơ cao bị tấn công trực tiếp bằng cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân", Hockenhull nói.

Vì Burevestnik là tên lửa hành trình nên nó có thể bắt chước khả năng của các tên lửa hành trình khác để thực hiện chuyến bay ở độ cao thấp tới 50-100 mét, khiến nó về cơ bản vô hình trước radar của đối phương.

Chuyên gia Dmitry Kornev, người sáng lập cổng thông tin MilitaryNga.ru đã theo dõi sự phát triển của Burevestnik kể từ lần xuất hiện đầu tiên vào năm 2018, cho biết:

"Đặc điểm tầm bắn tuyệt vời của Burevestnik giúp tên lửa có khả năng cơ động xung quanh các hệ thống phòng không, di chuyển về phía mục tiêu từ một hướng hoàn toàn bất ngờ.

Và do đó trở thành một thành phần mới hiệu quả trong khả năng răn đe chiến lược của Moscow trước những nỗ lực gần đây của Mỹ nhằm vô hiệu hóa các mục tiêu kiểu như tên lửa hành trình Nga".

Kornev cho biết thêm, tầm bắn cực xa, kết hợp với khả năng cơ động, giúp Burevestnik khác biệt với tên lửa đạn đạo truyền thống vốn bay theo quỹ đạo cố định, khiến chúng dễ bị đánh chặn hơn.

Tên lửa hành trình nhìn chung có thể thực hiện các thao tác cơ động, uốn cong đường bay theo địa hình, đi vòng quanh các tòa nhà, công trình, đảo, lục địa. Và trong trường hợp của Burevestnik, không có giới hạn nào về phạm vi bay, nghĩa là nó có thể đi vòng quanh toàn bộ lục địa, đại dương và thậm chí bay vòng quanh hành tinh nhiều lần trên đường đến mục tiêu.

"Đây là thành phần hoàn toàn mới trong lực lượng răn đe hạt nhân của chúng tôi", nhà quan sát nhấn mạnh và cho biết nó sẽ giúp biến bộ ba hạt nhân gồm tên lửa trên mặt đất, trên không và phóng từ tàu ngầm của Nga thành một bộ tứ một cách hiệu quả", ông Dmitry Kornev cho biết.

Burevestnik có thể khiến cỗ máy chiến tranh phá sản?

Nhà quan sát nhấn mạnh rằng ngày nay, Lầu Năm Góc không có gì trong kho vũ khí của mình để chống lại Burevestnik.

"Rõ ràng là họ sẽ tăng cường phòng thủ trên không. Nhưng điều đó không đảm bảo rằng những tên lửa này của Nga sẽ bị đánh chặn", chuyên gia Nga nói.

"Có khả năng Mỹ sẽ chọn tạo ra các phương tiện trên không gian để phát hiện những tên lửa như vậy. Nếu người ta biết những tên lửa như vậy đang bay ở đâu, thì bất kỳ máy bay chiến đấu nào cũng có thể bắn hạ chúng…

Nhưng để làm được điều đó, cần phải tạo ra một hệ thống phát hiện tối tân, xây dựng một hệ thống truyền thông tin... Đây sẽ là chi phí khổng lồ. Và rất có thể những chi phí này vượt quá chi phí phát triển và chế tạo tên lửa Burevestnik", Kornev nhấn mạnh.

Các vấn đề cần giải quyết

Theo chuyên gia quân sự, vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân.

"Liệu Nga có tạo ra một hệ thống vũ khí trên cơ sở Burevestnik không? Bởi vì khả năng phóng tên lửa là một chuyện, nhưng thực sự tạo ra một hệ thống vũ khí có thể chiến đấu, đào tạo nhân sự, và vận hành chúng lại là chuyện khác", Kornev lưu ý.

Theo quan điểm của Kornev, một vấn đề khác nằm ở chỗ Burevestnik là hệ thống đầu tiên thuộc loại này trên thế giới.

"Chúng tôi không có kinh nghiệm, vì vậy tất nhiên có những rủi ro nhất định. Nhưng nếu chúng ta không thực hiện chương trình Burevestnik một cách nghiêm túc, chúng ta chắc chắn sẽ khó có thể tạo ra thứ gì đó độc đáo so với đối thủ", nhà quan sát tổng kết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.