Nâng chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số từ đầu tư cơ sở vật chất

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã đưa ra nhiều phương án, giải pháp.

Vùng DTTS, miền núi được quan tâm, chú trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Vùng DTTS, miền núi được quan tâm, chú trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất

Sở GD&ĐT Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới, tổ chức lại cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Đặc biệt là các trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT), Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT), trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

“Các phòng GD&ĐT và đơn vị trường học ở vùng DTTS xây dựng giải pháp nhằm tăng tỷ lệ trẻ em, học sinh DTTS từ mầm non đến phổ thông đi học đúng độ tuổi. Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ trẻ em DTTS 5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành cấp tiểu học, THCS. Qua đó giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học và duy trì, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục”, ông Trần Bá Công – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai nói.

Ngành Giáo dục Gia Lai cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm định, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của cơ sở tại địa phương. Từ đó có giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học vùng DTTS. Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Các trường PTDTNT, PTDTBT, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất trường, lớp, công trình. Từ đó lập kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Đặc biệt chú ý đối với các trường ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, gần sông suối.

Dạy tiếng DTTS

Giáo viên hỗ trợ cho học sinh tiểu học.
Giáo viên hỗ trợ cho học sinh tiểu học.

Sở GD&ĐT Gia Lai cũng khuyến khích triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần lập nghiệp cho học sinh trong các trường PTDTNT cấp THPT. Ngoài ra huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các hoạt động dạy học/giáo dục trong nhà trường theo hướng lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn.

"Các đơn vị cần phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho học sinh. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề truyền thống phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Công cho hay.

Để chất lượng vùng DTTS nâng cao nội dung dạy tiếng DTTS cũng được quan tâm, chú trọng. Các đơn vị tiếp tục duy trì và phát triển quy mô trường, lớp, học sinh học tiếng Bahnar và Jrai.

Cùng với đó xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị trường học. Cụ thể, dạy học các tiếng Bahnar, Jrai, lớp 1, lớp 2, lớp 3 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và triển khai dạy từ lớp 4 đến lớp 5 theo chương trình và sách giáo khoa đã ban hành. Đối với các đơn vị trường học có nhiều học sinh DTTS, các phòng GDĐT chủ động, tích cực tham mưu với UBND huyện trong việc xây dựng kế hoạch, đề án dạy học tiếng DTTS.

Ngoài ra, tăng cường phối hợp với các cơ quan như: Ban Dân tộc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch… để xây dựng các ấn phẩm sách, báo bằng tiếng nói, chữ viết DTTS nhằm cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong dạy học. Đồng thời tổ chức các lớp dạy tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS, miền núi. Đặc biệt thực hiện đầy đủ, đảm bảo chế độ, chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS.

Cùng với việc dạy học tiếng DTTS, các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS cũng được quan tâm. Trong đó, chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, giao lưu tiếng Việt cho trẻ em, học sinh. Bên cạnh đó bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ (người DTTS) về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh DTTS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ