Theo Bộ trưởng Bộ Phát triển Cộng đồng, Lãnh thổ và Cơ sở hạ tầng Ba Lan Oleksandr Kubrakov, đây là vụ phá hoại thứ 4 tại các nhà ga ở Ba Lan.
Ông Kubrakov cho biết ngũ cốc được gửi trong các toa hàng kín đến cảng Gdansk và từ đó đến các nước khác. Quan chức này đã kêu gọi các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm của Ba Lan, thúc giục họ tuân thủ luật pháp.
Một ngày trước đó, những người không rõ danh tính đã đổ đậu của Ukraine ra khỏi toa xe tại một trong những nhà ga ở Ba Lan. Sau đó, ông Kubrakov nhấn mạnh rằng những người làm hỏng các toa đó không quan tâm đến hòa bình ở Ukraine.
Ngày 23/2, ông Kubrakov nói rằng những người không rõ danh tính ở Dorokhuska đã mở 3 xe chở ở đường sắt khiến ngũ cốc tràn xuống đất.
Trường hợp đầu tiên như vậy xảy ra với sản phẩm của Ukraine ngày 11/2. Cũng tại Dorokhusk, nông dân biểu tình đã đổ ngũ cốc từ Ukraine xuống đường.
Ngày 20/2, tại cửa khẩu biên giới Medyka-Shehyni, nông dân đã chặn đường sắt và rải ngũ cốc từ một toa chở hàng. Sau đó, Đại sứ Ukraine tại Ba Lan, Vasyl Zvarych, đã chỉ trích hành động của những người nông dân đó.
Chủ tịch đảng đối lập Luật pháp và Công lý (PiS) của Ba Lan Jaroslaw Kaczynski, nói rằng các vấn đề của Ukraine không nên dẫn đến sự hủy hoại của nông dân Ba Lan. Ông nhấn mạnh các nước cần ký kết thỏa thuận về nông nghiệp.
Ngoài ra, các hãng vận tải Ba Lan, sau đó là nông dân, bắt đầu chặn các trạm kiểm soát ô tô ở biên giới với Ukraine vào đầu tháng 11 năm ngoái. Họ yêu cầu cấp giấy phép thương mại cho các hãng vận tải Ukraine và giới hạn số lượng của họ.
Kết quả của các cuộc biểu tình là hàng dài xe tải đã dồn lại ở biên giới và việc vận chuyển một số loại hàng hóa đến Ukraine bắt đầu bị gián đoạn.
Ngày 2/5/2023, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cấm xuất khẩu ngũ cốc Ukraine sang 5 quốc gia Đông Âu. Ngày 15/9/2023, EC dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu 4 loại nông sản từ Ukraine, nhưng Ba Lan đơn phương gia hạn lệnh cấm nhập khẩu.