Vị thế văn hóa Việt

GD&TĐ - “Văn hóa Việt Nam vẫn chưa được biết tới và quảng bá rộng rãi ra bên ngoài, như những gì xứng đáng có được”.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Đó là lời tâm sự của ông Mark Rapoport – nhà sưu tầm hiện vật văn hóa – nói trong buổi trao tặng hiện vật diễn ra tại Hà Nội, mới đây.

Năm 1969, Mark Rapoport đến Việt Nam khi còn là sinh viên y khoa. Ông được Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cử làm tình nguyện viên y tế làm việc tại Đà Nẵng và ở các làng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi. Từ nơi đây, ông bắt đầu sưu tầm hiện vật văn hóa Việt Nam.

Năm 2001, ông đến sinh sống tại Hà Nội và tiếp tục hoàn thiện bộ sưu tập lớn về nghệ thuật - văn hóa Việt Nam. Ông bắt đầu từ đồ vật của các dân tộc thiểu số, nhưng sau đó là các đồ vật của người Kinh.

Mới đây, Mark Rapoport đã trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam gần 500 hiện vật văn hóa. Trong đó, chủ yếu là dụng cụ nông nghiệp, nhà bếp, ăn trầu, trang sức trang điểm, trang phục và đồ dệt, nghệ thuật điêu khắc tượng...

Số hiện vật được trao tặng không chỉ gây ấn tượng về giá trị văn hóa, mà còn khiến các chuyên gia văn hóa Việt phải bất ngờ. Có những hiện vật hiếm, như chiếc gùi 3 ngăn – một trong hai hiện vật đầu tiên ông đã mua khi lần đầu đến Việt Nam năm 1969, rồi chiếc bao khắc chữ đựng dao của người Nùng…

Ông Mark Rapoport nói, mình đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật mà bản thân ông và bất kỳ người nào cũng có thể cần. Ông nhận định: Văn hóa Việt Nam vẫn chưa được biết tới và quảng bá rộng rãi ra bên ngoài, như những gì xứng đáng có được.

Quả thật, nhận định về văn hóa Việt Nam của Mark Rapoport vô cùng chính xác. Điều đó cũng đặt ra nhiều câu hỏi về việc nhận thức giá trị văn hóa, và vai trò của mỗi người trong việc lan tỏa quảng bá văn hóa Việt Nam.

Trong giới sưu tầm hiện vật văn hóa Việt Nam, chúng ta có nhiều nhà sưu tầm lớn. Nhưng hầu hết trong số họ - rất ít, hoặc không bao giờ quảng bá hình ảnh văn hóa Việt ra với bạn bè quốc tế. Một phần vì hạn chế trong giao tiếp và các mối quan hệ, nhưng lý do lớn hơn là họ không được “tiếp sức” từ cơ quan quản lý văn hóa.

Rất nhiều bộ sưu tập hiện vật văn hóa đang xếp kho, hoặc “ngủ yên” trong bảo tàng. Chưa có những kênh truyền thông, hay cầu nối văn hóa để quảng bá các hiện vật ấy ra thế giới. Đến chính nhà sưu tập nước ngoài như Mark Rapoport, cũng phải tiếc nuối vì vị thế văn hóa Việt Nam chưa xứng đáng với những gì vốn có.

“Trong chán ngoài thèm” là một câu châm ngôn để giải thích vấn đề này. Chúng ta có thể coi văn hóa của đất nước mình là bình thường, nhưng trong mắt người nước ngoài – nét văn hóa ấy cực độc đáo, xứng đáng là bản sắc.

Chính ông Mark Rapoport đã đánh thức văn hóa Việt khi cho biết, những bảo tàng lớn nhất ở New York, chỉ có số ít hiện vật được trưng bày đến từ Việt Nam.

Trong khi nhà sưu tầm nội địa bo bo giữ hiện vật trong kho, các nhà nghiên cứu chưa tìm ra giải pháp quảng bá, thì Mark Rapoport đã và sẽ làm hai việc: Trao tặng hiện vật cho bảo tàng Việt Nam và các bảo tàng ở Mỹ.

Dù là tín hiệu vui, nhưng nếu lòng tự trọng đủ lớn – chúng ta thấy có lỗi nhiều hơn với nền văn hóa dân tộc, khi để người nước ngoài phải nuối tiếc thay!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ