Giúp giới trẻ hiểu và tự hào về văn hóa Việt Nam

GD&TĐ - Tiến sĩ - Luật sư Victor Trần có những trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại về quan điểm “Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục”.

Du học sinh Việt Nam biểu diễn múa nón trong trang phục áo dài tại Trường Đại học Griffith (Úc) trong chương trình giao lưu văn hóa. Ảnh: NVCC
Du học sinh Việt Nam biểu diễn múa nón trong trang phục áo dài tại Trường Đại học Griffith (Úc) trong chương trình giao lưu văn hóa. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ - Luật sư Victor Trần cho rằng, giáo dục là cách thức chính để gia đình và nhà trường định hướng các em biết phân biệt những giá trị tốt/xấu và từng bước định hình thước đo văn hóa.

Mức độ “toàn cầu hóa” rất lớn

- Theo ông, vì sao chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục?

- Trước hết, chúng ta cần hiểu vì Việt Nam đang kêu gọi công cuộc chấn hưng văn hóa. Theo tôi, một phần do sự phát triển của mạng Internet (cụ thể là mạng xã hội), giới trẻ nước ta có cơ hội tiếp xúc với nhiều kiến thức và văn hóa vô cùng đa dạng.

Điều này dẫn đến việc chúng ta khó kiểm soát việc các em sẽ tiếp cận với các nội dung không lành mạnh, dẫn đến sự lệch lạc về văn hóa. Bên cạnh việc chặn hay loại bỏ những nội dung rác này, yếu tố then chốt là chúng ta phải dạy và định hướng được các em biết chắt lọc và tiếp thu những kiến thức lành mạnh, có giá trị.

Giáo dục, vì vậy là cách thức chính để gia đình và nhà trường định hướng các em biết phân biệt được những giá trị tốt/xấu và từng bước định hình thước đo văn hóa.

- Ông đánh giá thế nào về “phông” văn hóa của học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay?

- Nếu hiểu “phông” ở đây là nền tảng hoặc bối cảnh, tôi cho rằng một bộ phận bạn trẻ Việt Nam đang khá lạc lối về định hình văn hóa. Mức độ “toàn cầu hóa” của Việt Nam hiện nay rất lớn.

Nếu trước đây, chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Trung Quốc, và sau đó là các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ thì hiện nay, các em còn có thêm sự ảnh hưởng từ các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Do đó, các em sẽ “quá tải” và dễ lạc lối trong việc tiếp thu, học tập, so sánh văn hóa.

Thực tiễn cho thấy, nhiều bạn còn hiểu biết về lịch sử và văn hóa ngoại quốc hơn cả chính đất nước mình. Vì vậy, cần có sự định hướng rõ ràng hơn cho các em về phông văn hóa tại Việt Nam.

- Giáo dục giới trẻ luôn cần 3 chân kiềng: Gia đình – Nhà trường – Xã hội. Theo ông, vai trò của nhân tố nào là quan trọng nhất?

- Khi nói về kiềng ba chân thì khó để khẳng định nhân tố nào là quan trọng nhất vì mỗi nhân tố đều có vai trò và chức trách riêng. Tầm quan trọng của mỗi nhân tố sẽ khác tùy theo lứa tuổi của các em.

Với các em tiểu học, gia đình là quan trọng nhất vì các em còn nhỏ tuổi và được gia đình chăm chút, bảo vệ kỹ lưỡng hơn. Ở giai đoạn trung học, nhà trường là vô cùng quan trọng vì các em dành phần lớn thời gian cho việc học và hoạt động ở trường. Lên đại học, các em sẽ va chạm và giao tiếp nhiều hơn với xã hội, lúc này xã hội lại có tác động lớn đến nhận thức của các em.

Trong ba nhân tố này, xã hội là yếu tố mang tính vĩ mô, khó thay đổi trong một sớm một chiều, còn gia đình và nhà trường là hai nhân tố giáo dục trực tiếp, có thể thay đổi để mang đến những tác động tích cực hơn về văn hóa cho các em.

Dù là gia đình hay nhà trường, thì “người lớn” (phụ huynh và thầy cô) cần hiểu rõ bối cảnh hiện nay của đất nước, của xã hội (ý thức được sự khác biệt giữa “thời” của mình với “thời” của các con để có sự cảm thông nhiều hơn và dễ dàng trò chuyện, định hướng được sự phát triển văn hóa của các em. Khi thầy cô, cha mẹ và học sinh có sự kết nối và sẻ chia, lúc này định hướng văn hóa mới hiệu quả.

Tự hào về văn hóa dân tộc Việt Nam

Giúp giới trẻ hiểu và tự hào về văn hóa Việt Nam ảnh 1
Tiến sĩ, Luật sư Victor Trần là nhà sáng lập Diễn đàn Giáo dục Pháp lý và Kinh tế Việt Nam và hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Quốc tế RMIT. Ông đã đóng góp nhiều bài viết và chia sẻ về giáo dục tại Việt Nam sau nhiều năm học tập, nghiên cứu và làm việc ở các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, Anh và Úc.

- Là người có nhiều năm học tập và làm việc tại nước ngoài, ông có chia sẻ gì về cách giáo dục văn hóa cho giới trẻ của các quốc gia?

- Tôi thấy rằng, các quốc gia nói tiếng Anh như Hoa Kỳ, Úc và Anh đều rất coi trọng việc giáo dục về văn hóa (culture) và truyền thống (tradition) trong mọi cấp độ giáo dục từ mầm non đến đại học. Đặc biệt, ở những quốc gia mang tính chất “quốc tế” và “hợp chủng”, họ lại càng trân trọng và đề cao những yếu tố văn hóa truyền thống này hơn.

Ví dụ: Ở Úc, văn hóa của người thổ dân và các giá trị của họ đều được tôn trọng, gìn giữ, thậm chí được tạo điều kiện để phát triển hơn nữa (biểu diễn văn hóa thổ dân trên các phố lớn ở trung tâm thành phố); hay ở Mỹ, cũng có nhiều bộ phim hay các hoạt động giáo dục khác nhau để lưu giữ và bảo tồn văn hóa của người da đỏ bản địa.

Đây là cách giáo dục văn hóa gián tiếp rất thú vị bên cạnh việc học tập thuần túy trên trường.

- Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc đối với du học sinh khi họ là những người mang bản sắc văn hóa Việt Nam giao lưu khắp thế giới?

- Thực ra, lúc còn ở Việt Nam, tôi chưa có ý thức quá nhiều về văn hóa dân tộc đâu. Chỉ đến khi ra nước ngoài, giao lưu với bạn bè quốc tế, tôi mới hiểu, thậm chí tìm cách nghiên cứu sâu hơn về những giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam, để có thể “cạnh tranh” với chúng bạn quốc tế chứ (cười).

Tôi luôn khuyên sinh viên của mình cố gắng đi du học hoặc đi làm ở nước ngoài một thời gian. Các em phải đi, phải bước ra thế giới ngoài kia mới hiểu được những giá trị của đất nước chúng ta và thấy rằng chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, khi hiểu về những giá trị văn hóa này, các em sẽ cố gắng phấn đấu học tập và sống tốt hơn ở nước ngoài vì lúc này các em là đại diện cho bộ mặt của đất nước trên xứ người.

- Là người làm trong ngành Giáo dục, cá nhân ông mong muốn, đóng góp gì cho công cuộc “chấn hưng văn hóa” trong điều kiện hiện nay?

- Thực sự tôi cũng đang “làm điều đó” rồi. Bản thân cuộc phỏng vấn này là một đóng góp nho nhỏ cho công cuộc “chấn hưng văn hóa” trong thời kỳ mới. Rõ ràng đất nước chúng ta có một nền văn hóa đa dạng, đặc biệt và lâu đời. Nếu chúng ta không biết cách truyền đạt và “dạy dỗ” về những giá trị đó, làm sao các con có thể hiểu được mà tự hào.

Chính vì vậy, với tư cách một giảng viên, tôi luôn tìm cách gửi gắm những thông điệp, những giá trị của đất nước ta vào trong bài giảng của mình với mong muốn các con sẽ ngấm dần những tư tưởng tích cực đó và lớn lên, trưởng thành với niềm tự hào dân tộc.

- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ