Triển lãm Thế giới có lịch sử hơn 170 năm, là một trong ba sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, chỉ sau Olympic và World Cup.
Đây là lần thứ bảy liên tiếp Việt Nam tham gia sự kiện này. Do đó, nước ta đã tích cực chuẩn bị để tận dụng cơ hội quảng bá văn hóa, giới thiệu những nét đặc sắc của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Chương trình có sự tham gia của hơn 150 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Đây là chương trình có số lượng nghệ sĩ tham gia đông đảo nhất trong tất cả các kỳ triển lãm thế giới mà Việt Nam tham gia.
Các nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ trình diễn những tiết mục thể hiện nét duyên của dân ca quan họ, sự hùng tráng của văn hóa Tây Nguyên, những nét duyên của tà áo dài Việt Nam, hay điểm nhấn là màn trình diễn thời trang lấy cảm hứng từ thổ cẩm Tây Nguyên với sự tham gia của nhiều hoa hậu, người mẫu nổi tiếng…
Trong buổi lễ tổng duyệt chương trình mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - ông Tạ Quang Đông cho biết, việc tham gia Expo 2020 Dubai - đặc biệt sự kiện Ngày Quốc gia Việt Nam sẽ đem lại nhiều cơ hội quảng bá về đất nước và con người Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, việc quảng bá văn hóa Việt Nam sẽ thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các món ăn...
Chương trình cũng sẽ trình chiếu bộ phim ngắn “Con Rồng cháu Tiên” bằng công nghệ 3D Mapping trên mái vòm lớn nhất thế giới Al Wasl, với hi vọng đem đến cho bạn bè quốc tế cảm giác về một Việt Nam giàu truyền thống, nhưng cũng rất năng động và hiện đại.
Có thể nói, đây là cơ hội đặc biệt để chúng ta quảng bá nét văn hóa giàu bản sắc ra với thế giới. Nếu biết tận dụng, 850m2 của không gian Việt Nam ở Triển lãm Thế giới sẽ trở thành “cầu nối” đưa bạn bè quốc tế đến với đất nước đậm đà bản sắc.
Tuy nhiên, để tận dụng và đạt được hiệu quả quảng bá không phải đơn giản. Triển lãm Thế giới giống như một hội chợ thu hút nhiều quốc gia. Đất nước nào cũng chọn quảng bá những nét đặc sắc và thu hút nhất. Bởi vậy, để níu chân du khách, và để lưu lại ấn tượng Việt Nam trong tâm trí họ thì không thể trình diễn theo phong trào.
Người xưa vẫn nói “hữu xạ tự nhiên hương” - tất nhiên trong thời đại ngày nay không thể ngồi chờ người khác đến “ngửi hương” mà phải quảng bá, giới thiệu và thể hiện sự tận tình của một quốc gia hiếu khách.
Lời chào cao hơn mâm cỗ - lòng hiếu khách và thái độ thân thiện cũng là một nét văn hóa, không chỉ đặc sắc mà còn là ấn tượng ban đầu để khách quốc tế tìm đến Việt Nam.
Có được vậy, mới mong quảng bá được một Việt Nam giữa rừng hoa văn hóa thế giới.