Vị thế của AIS

GD&TĐ - Hôm 11/10, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất diễn đàn các quốc đảo và quần đảo (AIS) đã diễn ra tại Bali, với sự tham dự của 51 quốc gia thành viên.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hôm 11/10, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất diễn đàn các quốc đảo và quần đảo (AIS) đã diễn ra tại Bali, Indonesia, với sự tham dự của 51 quốc gia thành viên. Thông qua AIS, các quốc đảo, vốn là những đất nước có diện tích khiêm tốn, đã thống nhất thể hiện vị thế và vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu.

Theo Liên Hợp Quốc, biến đổi khí hậu sẽ tác động đầu tiên và trực tiếp lên các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, hội nghị kêu gọi các nước tăng cường hợp tác trong 4 lĩnh vực chính, bao gồm giảm ảnh hưởng và thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển xanh và du lịch sinh thái; giải quyết rác thải nhựa trên biển và ven biển; quản trị hàng hải.

Một khảo sát hồi năm 2019 chỉ ra tổng lượng khí thải carbon trên quần đảo Thái Bình Dương chỉ chiếm chưa đến 0,03% tổng lượng khí thải của thế giới. Mối đe dọa hiện hữu mà nhân loại phải đối mặt không phải do các quốc gia này tạo ra nhưng họ sẽ là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với các quốc đảo có thể cực kỳ nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu khiến lũ lụt gia tăng, mực nước biển dâng cao, phá hủy cơ sở hạ tầng, hoạt động sinh kế của người dân, thậm chí nhấn chìm các quốc đảo.

Trước mối đe dọa trên, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu là một phần trong chính sách đối ngoại của các quốc đảo. Tuy nhiên, sự xuất hiện của AIS mang lại ý nghĩa quan trọng hơn khi diễn đàn là nền tảng để các quốc đảo và quần đảo thể hiện quan điểm mạnh mẽ về biến đổi khí hậu.

Diễn đàn đã thu thập từng tiếng nói đấu tranh giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu của các quốc đảo trở thành một thực thể thống nhất, không còn rời rạc mà sắc bén, có tổ chức. Với AIS, các quốc đảo và quần đảo đã thể hiện mối bận tâm chung và tiếng nói trong vấn đề biến đổi khí hậu nói riêng và các vấn đề toàn cầu nói chung.

Không chỉ thể hiện vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các quốc đảo còn nằm trong chiến lược đối ngoại của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Đơn cử, hồi tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc – quần đảo Thái Bình Dương, tại thủ đô Seoul. Hội nghị nhằm thảo luận về hợp tác hàng hải, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực cùng nhiều vấn đề khác.

Tương tự, hồi tháng 6, Liên đoàn Ả Rập và các quốc đảo Thái Bình Dương đã gặp nhau và nhất trí hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đầu tư... Mối hợp tác trên sẽ mang lại lợi ích song phương.

Các đảo quốc Thái Bình Dương như Fiji, Palau, Tonga, Tuvalu... nằm trên các tuyến đường vận chuyển hàng hải quan trọng và có ý nghĩa quân sự rất cao. Nhiều đảo và đá ngầm có thể được xây dựng thành sân bay, khu cảng nước sâu... nhằm hỗ trợ cho các hoạt động quân sự, hải quân, không quân. Vì vậy, các “ông lớn” trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc... đều tăng cường gia tăng sức ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương.

Về mặt kinh tế, các quốc đảo sở hữu vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, trải dài trên biển. Đối với các quốc gia đất liền, các quốc đảo trở thành những đối tác quan trọng, tiềm năng trong việc khai thác khoáng sản, hải sản và các tài nguyên khác.

Còn với các quốc đảo, họ có nhiều đối tác hơn và tránh bị mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa các nước lớn. Nhiều đối tác tiềm năng mang lại cho các quốc đảo cơ hội phát triển, đóng góp tiếng nói trong các vấn đề toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.