Vì sao trẻ nổi mề đay?

GD&TĐ - TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, mề đay là tình trạng da phát ban, biểu hiện đặc trưng với các nốt sần và ngứa.

Ảnh minh hoạ: ITN.
Ảnh minh hoạ: ITN.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các tác nhân có khả năng cao gây ra nổi mề đay bao gồm: Dị ứng sữa, thức ăn, phấn hoa; Do bị côn trùng cắn, chích hoặc bám vào người; Da đang bị nhiễm vi khuẩn, các loại nấm hoặc virus…

Nhận diện 2 loại mề đay

TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, mề đay là tình trạng da phát ban, biểu hiện đặc trưng với các nốt sần và ngứa. Các nốt sần có kích thước và hình dạng khác nhau như: Tròn, bầu dục, hình khuyên (vòng).

Kích thước của các nốt này có thể thay đổi từ dạng chấm vài ly đến mảng to hơn 10cm. Mề đay là một trong những bệnh da liễu phổ biến, với khoảng 10 - 20% dân số thế giới mắc bệnh. Phần lớn, các trường hợp mắc mề đay đều có xu hướng thuyên giảm trong vòng 6 tuần. Có 5% trường hợp bệnh kéo dài hay tái đi tái lại.

Theo TS Bích, có 2 loại mề đay gồm cấp tính và mãn tính. Ở bệnh nhân mề đay cấp tính, tình trạng phát ban kéo dài dưới 6 tuần. Bệnh xuất hiện đột ngột, các nốt sần có thể tập trung ở một số vùng da hoặc lan rộng toàn thân. 10% trường hợp mề đay cấp tính gây phù mạch (tình trạng sưng sâu bên trong da ở niêm mạc da khiến da chuyển sang màu đỏ và căng phồng) gây ngứa, đau.

Nếu được điều trị đúng cách, phù mạch sẽ được cải thiện sau 72 giờ. Người bệnh mề đay cấp tính sẽ sớm cải thiện tình trạng nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nhiều người bệnh chủ quan không điều trị. Do đó, tình trạng tổn thương kéo dài và chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Trong khi đó, mề đay mạn tính có thể gây tổn thương da kéo dài hơn 6 tuần, đặc trưng với biểu hiện phát ban, nổi sẩn ngứa có màu hồng, đỏ hay trắng nhạt trên da. Người bệnh bị ngứa, nóng rát, khó chịu.

Mề đay mạn tính ngoài gây tổn thương trên da còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bệnh mề đay mạn tính kéo dài dai dẳng và tái phát liên tục. Từ đó, làm thay đổi màu sắc da (mề đay sắc tố), ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, giấc ngủ, ngoại hình khiến người bệnh tự ti giao tiếp.

Mề đay mạn tính thường đáp ứng kém với các giải pháp điều trị. Bệnh dù không gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách dễ gây ra các biến chứng như chàm hóa, tăng sắc tố da (sạm da).

Đồng thời, làm tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh dị ứng khác. Ngoài ra, mề đay mạn tính có thể ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp và tiêu hóa dẫn đến khó thở, đau nhức cơ, nôn mửa, tiêu chảy…

Ảnh minh hoạ: ITN.

Ảnh minh hoạ: ITN.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ

Theo Tổ chức Trẻ em toàn quốc (Mỹ) và Hiệp hội Miễn dịch và Dị ứng Lâm sàng Australia (ASCIA), trong trường hợp trẻ nổi mề đay gặp khó thở, khó nuốt hoặc nói, buồn nôn hoặc nôn, sưng miệng hoặc môi, bé cần được đưa đến cơ sở y tế ngay. Bởi, đó là những triệu chứng ban đầu của sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng.

Nếu thuốc kháng histamine được kê đơn không làm giảm ngứa, cha mẹ cần liên hệ với bác sĩ. Khi các vết mề đay hoặc tình trạng ngứa trở nên tồi tệ hơn, hay phát triển các triệu chứng mới, phụ huynh cũng cần liên hệ chuyên gia y tế. Bởi, đó có thể là dấu hiệu của bệnh khác.

Trong đó, trẻ em là nhóm thường mắc bệnh mề đay. Tình trạng này ở trẻ khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc - chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, thông thường, tình trạng nổi mề đay ở trẻ em luôn bắt nguồn từ một nguyên nhân nào đó.

Nếu phụ huynh phát hiện bé đang có dấu hiệu nổi mề đay, việc đầu tiên cần làm là khoanh vùng nhóm các yếu tố nguy cơ. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các tác nhân có khả năng cao gây ra nổi mề đay bao gồm: Dị ứng sữa, thức ăn; Dị ứng phấn hoa; Do bị côn trùng cắn, chích hoặc bám vào người; Da đang bị nhiễm vi khuẩn, các loại nấm hoặc virus; Tiếp xúc trực tiếp lâu với ánh nắng Mặt trời; Do dị ứng hoặc sử dụng một số loại thuốc gây kích ứng,...

“Phụ huynh nên căn cứ vào nguyên nhân gây nổi mề đay mà xem xét để trẻ hạn chế tiếp xúc trước các tác nhân gây ra. Cách này sẽ giúp da của bé sớm bình ổn hơn và dần chuyển sang giai đoạn hồi phục.

Tuy nhiên, riêng với trường hợp nổi mề đay do dị ứng hoặc nghi ngờ do sử dụng thuốc, cha mẹ cần kiểm tra và theo dõi trẻ tại bệnh viện, không được tự ý theo dõi tại nhà.

Trong trường hợp không thấy mề đay có dấu hiệu thuyên giảm hoặc xuất hiện các dấu hiệu như khó thở, chóng mặt, nổi mẩn đỏ toàn thân, quấy khóc hoặc li bì,... lúc này các bác sĩ sẽ đưa ra phương án xử lý kịp thời”, bác sĩ Ngọc khuyến cáo.

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể chườm lạnh cho trẻ bị mề đay. Khi trẻ có dấu hiệu bị nổi mề đay, cha mẹ có thể dùng khăn bông mềm bọc đá lạnh hoặc dùng các loại túi chườm chứa nước mát. Sau đó, chườm lên các vùng da mẩn ngứa.

Thời gian chườm lạnh có thể duy trì trong khoảng 10 phút cho mỗi lần và lặp lại vài lần trong ngày nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý, làn da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn còn tương đối mỏng, nhạy cảm. Do đó, nên kiểm tra kỹ nhiệt độ của khăn, túi chườm trước khi để các vật này tiếp xúc trực tiếp với da của bé.

“Chứng nổi mề đay ở trẻ em thường có dấu hiệu gia tăng, khó kiểm soát hơn nếu môi trường hoặc cơ thể giữ nhiệt độ ở mức cao. Bé càng cảm thấy nóng thì cơn ngứa càng khó chịu và rõ ràng. Cha mẹ hãy giữ nhiệt độ phòng ở mức mát mẻ, có thể mở cửa sổ để không gian thoáng đãng, không khí lưu thông. Ngoài ra, bé cần được thay các bộ đồ thoải mái, rộng rãi và thoáng mát. Chúng sẽ giúp làn da bé được thoáng khí hơn, cũng như hạn chế sự cọ xát vào các nốt mề đay”, bác sĩ Kim Ngọc chia sẻ.

Bên cạnh đó, thời điểm bị nổi mề đay là lúc làn da đặc biệt nhạy cảm. Trong tình trạng dị ứng, trẻ cần được hạn chế sử dụng mỹ phẩm vì có thể gây kích ứng hơn. Khi tắm, cha mẹ có thể sử dụng nước sạch và massage cho trẻ nhẹ nhàng bằng tay nhanh chóng. Tránh trường hợp chà xát nhiều khiến các nốt mề đay bị tổn thương.

“Có nhiều trường hợp nổi mề đay ở trẻ em không tự biến mất nếu chỉ sử dụng các biện pháp can thiệp an toàn tại nhà. Nếu sau 24 - 48 giờ kể từ lúc phát hiện bé bị nổi mề đay mà tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc đang chuyển biến nặng hơn, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Phụ huynh cần lưu ý tuyệt đối không tự ý đến hiệu thuốc và mua thuốc nổi mề đay ở trẻ em”, bác sĩ Ngọc nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.