Hiểu biết về bệnh ngoài da, cách phòng tránh và điều trị là rất cần thiết, qua đó luôn giữ cho con một cơ thể khỏe mạnh.
Dấu hiệu dễ thấy
Bệnh ghẻ nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng đắn, kéo dài, ngứa gãi gây mất ngủ, suy nhược thần kinh. Mặt khác, bệnh có thể lây lan trong gia đình, trường học, tập thể thành dịch đòi hỏi phải giải quyết triệt để.
Ghẻ là bệnh da liễu khá phổ biến ở nước ta, thường xuất hiện ở vùng dân cư đông đúc, nhà ở, phòng học chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém. Tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nếu không nhận biết sớm dấu hiệu và không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh ghẻ lây do nằm chung giường, mặc quần áo chung, qua tiếp xúc da. Bệnh có thể xuất hiện thành ổ dịch ở các đơn vị tập thể như nhà trẻ, doanh trại quân đội, vùng dân cư đông đúc, khu ký túc xá... Sự lan truyền ký sinh trùng chủ yếu do tiếp xúc gần gũi với người mang mầm bệnh hoặc qua trung gian là các vật dụng dính trứng ghẻ, cái ghẻ…
Sau khi xuất hiện dấu hiệu ngứa, người bệnh sẽ thấy da nổi các mụn nước hoặc các đường hầm ghẻ. Mụn nước do ghẻ gây ra thường có kích thước rất nhỏ, nằm riêng rẽ chứ không tập trung thành chùm trên da.
Đường hầm ghẻ không phải lúc nào cũng dễ nhận thấy, nó nổi gồ lên trên bề mặt da. Ban ngày, người bị ghẻ thường ngứa ít và ngứa rất dữ dội về đêm, khiến mất ngủ. Sau ngứa sẽ xuất hiện các mụn nước nằm rải rác hay còn gọi là bệnh ghẻ nước, có màu trắng đục.
Các triệu chứng bệnh ghẻ ngứa sẽ xuất hiện trong sáu tuần sau khi da nhiễm ký sinh trùng. Nếu đã từng mắc bệnh, các triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn, chỉ trong vòng một vài ngày sau khi bị bệnh.
Ở người trưởng thành và trẻ vị thành niên, dấu hiệu bị ghẻ lở thường xuất hiện ở giữa các ngón tay, trong nách, vùng eo, các nếp gấp ở cổ tay, vùng khuỷu tay bên trong, lòng bàn chân, đầu gối, bả vai,…Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vị trí nhiễm ghẻ thường ở các vùng da đầu, mặt, cổ, lòng bàn tay,…
Theo bác sĩ Hằng, khi tiếp xúc với người mang mầm bệnh thông qua động chạm như ôm, bắt tay... trẻ dễ dàng bị lây bệnh ghẻ. Ngoài ra, việc sử dụng chung đồ chơi ở nhà trẻ, dùng chung khăn mặt hoặc ngủ chung gối sẽ gián tiếp tạo cơ hội cho cái ghẻ kí sinh trên da.
Ghẻ ngứa thường bị nhầm lẫn với bệnh dị ứng, bệnh gan nên nhiều người chủ quan, không đi thăm khám khiến bệnh chuyển biến từ bệnh nhẹ ngoài da biến chứng thành chàm hóa, bội nhiễm. Cho nên, khi có dấu hiệu cần đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách, không kéo dài thời gian để tránh cho bệnh tình nghiêm trọng hơn.
Ảnh minh họa/INT |
Phòng và chữa bệnh thế nào?
Ghẻ rất dễ tái phát, vì thế để ngăn chặn nguy cơ này, người bệnh nên kiên trì dùng thuốc giảm ngứa và tiêu diệt cái ghẻ theo đúng đơn thuốc của bác sĩ. Lấy khăn ướt lau lên các vùng da bị kích thích hoặc ngâm và làm mát da bằng nước lạnh để giảm cơn ngứa do ghẻ gây ra.
Dùng các loại kem dưỡng da dịu nhẹ để giảm thiểu tình trạng kích ứng da. Đồng thời, có thể dùng thuốc kháng histamin để giảm triệu chứng dị ứng gây ra bởi ghẻ - Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng, phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Trẻ đang mắc bệnh, không ngủ chung, không dùng chung quần, áo, chăn màn. Vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày với xà phòng. Đặc biệt là ở các nếp như kẽ các ngón tay, bẹn, rốn... Nếu trong gia đình hay tập thể có người bị bệnh, cần áp dụng cách chữa bệnh ghẻ dứt điểm để tránh lây lan.
Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý một số điều quan trọng khi chăm sóc trẻ. Đó là không nên tự chuẩn đoán bệnh, không nên tự dừng việc điều trị bệnh cho bé. Giữ không gian sinh hoạt luôn gọn gàng, sạch sẽ. Không đưa bé đến nơi công cộng như trường học để tránh lây nhiễm.
“Bệnh ghẻ ngứa ở trẻ em tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể khiến bé vô cùng khó chịu cũng như khó kiểm soát tình trạng. Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, người lớn hãy tạm thời cách ly trẻ với những thành viên trong gia đình và đưa bé đến bác sĩ”, bác sĩ Hằng khuyên.
Cũng theo bác sĩ này, quan niệm cũ nhiều người cho rằng khi bị ghẻ cần kiêng nước, kiêng gió. Nhưng đây là quan niệm cổ hủ, sai lầm khiến bệnh tình lâu khỏi. Do đó, để điều trị dứt điểm bệnh ghẻ ở trẻ em. Cha mẹ cần phải chú ý vấn đề tắm rửa, vệ sinh thân thể hàng ngày cho trẻ.
Theo đó, thay vì dùng sữa tắm, cha mẹ nên dùng nước ấm đun sôi để nguội hoặc nước ấm pha muối loãng để tắm cho trẻ. Sau khi tắm hãy dùng khăn mềm thấm khô người cho trẻ. Và giặt khăn sạch sẽ bằng nước sôi ngay sau đó.
Bác sĩ Hằng cho biết, các thuốc điều trị ghẻ thường có dạng dung dịch, kem, thuốc xịt, thuốc mỡ bôi ngoài da hay thuốc uống. Để biết mình phù hợp sử dụng loại thuốc điều trị nào, nên lắng nghe bác sĩ chuyên khoa khuyến nghị và áp dụng chỉ dẫn trị ghẻ chính xác.
Trước khi sử dụng bôi, xoa thuốc lên vùng da bị ghẻ ngứa, người bệnh cần được tắm, lau khô người trước khi dùng. Thoa vào tất cả những vùng bị ghẻ, 2 – 3 lần/ngày, làm liên tục 10 - 15 ngày. Thời điểm thoa hiệu quả nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ. Cần dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh sẽ tiến triển tốt hơn.
Thuốc điều trị cần phải có thời gian tiếp xúc đủ với da, hầu hết thuốc cho người lớn cần 24 tiếng tiếp xúc với da, với trẻ em và phụ nữ có thai là 12 tiếng. Sau thời gian này mới tắm rửa lại. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần lưu ý, không dùng chung các đồ dùng cá nhân với trẻ khi bé đang bị ghẻ. Mục đích để tránh lây lan đến các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, cũng nên tập cho con thói quen rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn và đi vệ sinh. Sau khi vui chơi cũng nên vệ sinh thân thể cho bé. Vì khi ra mồ hôi, trẻ lại càng ngứa nhiều hơn. Từ đó có thể tạo môi trường thích hợp cho ký sinh ghẻ lây lan và phát triển nhanh.