Nguy cơ dẫn đến ung thư da
Bà Deborah Winter - chuyên gia chăm sóc da người Mỹ - chia sẻ, việc bảo vệ làn da của trẻ là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi các bé tới trường. “Với sự gia tăng bệnh ung thư da, khả năng bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời của trẻ em đang bị đe dọa.
Tổ chức Ung thư da gần đây báo cáo, tỷ lệ ung thư da đang tăng ở mức báo động. Tác hại tiềm ẩn mà việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gây ra cho trẻ em đòi hỏi chính phủ phải giải quyết như một vấn đề sức khỏe khẩn cấp và thực thi các luật có hiệu lực ngay lập tức”, chuyên gia này cảnh báo.
Theo Perry Robins - Chủ tịch Tổ chức Ung thư Da (Mỹ), ung thư da ở một số nhóm nhất định có nguy cơ trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở quốc gia này. Để ngăn ngừa ung thư da, điều quan trọng là trẻ em không được để bị cháy nắng do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.
Các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ, trẻ em đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh. Bởi, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời thơ ấu và thanh, thiếu niên dường như tạo tiền đề cho sự phát triển của cả ung thư da sau này trong cuộc đời.
“Vì trẻ em dành phần lớn thời gian trong ngày ở trường và dưới ánh nắng mặt trời, cần phải có sẵn kem chống nắng cho các bé. Đặc biệt, cha mẹ và nhà trường cần chú trọng nhắc trẻ thoa kem chống nắng nếu sân chơi không có bóng râm”, bà Winter khuyến cáo.
Các tia nắng mặt trời ở mức mạnh nhất trong khoảng thời gian từ 10 đến 16 giờ. Đây là thời điểm các tia có nhiều khả năng gây hại cho da. Mức độ phơi nhiễm cao nhất này rơi vào thời điểm trẻ có thể vui chơi ngoài trời.
Chỉ cần một vết cháy nắng phồng rộp trong thời thơ ấu hoặc tuổi thiếu niên sẽ làm tăng gấp đôi cơ hội phát triển khối u ác tính của một người sau này. Bà Winter dẫn chứng, một nghiên cứu do Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện cho thấy, chưa đến 47% trường khuyến khích học sinh thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài. Một giải pháp rõ ràng để bảo vệ trẻ em khi chơi ngoài trời là đảm bảo có đủ bóng râm. Song, không phải lúc nào cũng có thể thực hiện điều đó.
Trẻ cần thoa kem chống nắng trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ảnh minh họa |
Trách nhiệm bảo vệ trẻ em
Australia có tỷ lệ ung thư da cao thứ hai trên thế giới, sau New Zealand. Australia đã phát triển và thực hiện các chính sách an toàn dưới ánh nắng mặt trời trong hơn 25 năm. Trong đó, chương trình đầu tiên được phát triển vào năm 1988. Nhiều chính sách do các cơ quan quản lý của Mỹ thực hiện được rút ra từ mô hình của Australia tên là SunSmart. Sáng kiến này được ca ngợi là một trong những chiến dịch y tế thành công nhất từng được triển khai trong lịch sử Australia. Các chính sách này liên quan đến yêu cầu lắp đặt hàng rào che bóng râm tại sân chơi, sử dụng mũ rộng vành, quần áo bảo hộ và kem chống nắng phù hợp có chỉ số SPF 30.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chính sách bóng râm rất khó thực hiện. Điều này thể hiện rõ ở New Zealand sau 5 năm kể từ khi các chính sách khuyến nghị trường học cung cấp bóng râm được ban hành. Kết quả là, chỉ có 52% trường học làm như vậy với lý do chi phí là trở ngại chính. Hiện tại, California là bang duy nhất tại Mỹ nỗ lực cải thiện luật về an toàn dưới ánh nắng mặt trời cho trẻ em khi đi học.
CDC cũng như WHO đều cung cấp hướng dẫn cho các trường học về cách bảo vệ trẻ em khỏi ánh nắng mặt trời. Theo bà Deborah Winter, một số cha mẹ có thể không muốn trẻ bôi kem chống nắng. Điều này có thể là do một số nghiên cứu cho thấy, nhiều trẻ thiếu vitamin D do sử dụng kem chống nắng. Tuy nhiên, thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng kem chống nắng không ảnh hưởng đến lượng vitamin D của chúng ta.
Hiệp hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo, không nên sử dụng kem chống nắng cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Với lứa tuổi này, tốt hơn hết là giữ trẻ trong bóng râm, nơi thoáng mát. Bởi, lúc này, da của bé còn rất mỏng manh trước tác hại của tia UV.
Trẻ cũng nhạy cảm với các thành phần có trong kem chống nắng, dù là kem chống nắng vật lý hay hóa học. Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi ánh nắng mặt trời là để trẻ trong bóng râm càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, hãy mặc quần áo bảo hộ cho bé, đội mũ có vành và đeo kính râm. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng trẻ không bị quá nóng.
Trong khi đó, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, có thể dùng kem chống nắng. Phụ huynh nên chọn cho bé kem chống nắng vật lý chứa titanium dioxide và zinc oxide do ít gây kích ứng và không hấp thụ vào da. Ngoài ra, cần tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Khi đưa trẻ ra nắng, cha mẹ được khuyến cáo bảo vệ trẻ bằng cách đội mũ, mặc quần áo rộng che phủ da và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nếu rơi vào tình huống không thể cho con tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và không có biện pháp bảo vệ thay thế, phụ huynh có thể thoa một lượng nhỏ kem chống nắng lên mặt để ngăn ngừa cháy nắng.
Tiến sĩ Uma Alagappan - bác sĩ da liễu nhi khoa tại Phòng khám Da liễu & Phẫu thuật ở Singapore - chia sẻ: “Để an toàn, với trẻ trong độ tuổi từ 0 - 12 tháng, nên đặt trẻ trong bóng râm, tránh ánh nắng mặt trời và sử dụng quần áo che nắng”.
Tiến sĩ Uma phân tích, kem chống nắng dạng kem dưỡng có độ che phủ và bảo vệ tốt hơn dạng xịt, gel. Ngoài ra, trẻ em có thể hít kem chống nắng dạng xịt vào phổi, gây kích ứng. Do đó, cần hạn chế cho trẻ sử dụng kem chống nặng dạng này.
Kem chống nắng hóa học bảo vệ da bằng cách hấp thụ tia UV và phân tán nên không để lại các vệt dày, trắng trên da. Trái lại, kem chống nắng khoáng chất có thể tạo ra những vấn đề này. Tuy nhiên, nếu trẻ bơi hay đi biển, phụ huynh có thể cho trẻ dùng kem chống nắng khoáng chất để tối ưu hóa khả năng bảo vệ da, lâu trôi khi ở dưới nước.