Kết quả này có được nhờ sự quản lý nghiêm ngặt từ chính phủ và kinh nghiệm trước đó.
Quản lý nghiêm ngặt
Những ngày sau trận động đất lớn làm rung chuyển vùng ven biển phía Tây Nhật Bản hôm 1/1, công tác tìm kiếm người sống sót đang diễn ra. Trận động đất mạnh 7,6 độ ngoài khơi bán đảo Noto tạo ra chấn động mạnh nhất trong khu vực suốt nhiều thập kỷ.
Những thống kê ban đầu cho thấy hàng trăm ngôi nhà đã bị phá hủy, hàng trăm người mất tích và ít nhất 90 người chết. Tuy nhiên, nhà địa chất học Lucy Jones cho rằng, cường độ và vị trí ngoài khơi của trận động đất có thể gây thiệt hại nặng nề hơn nếu Nhật Bản chuẩn bị kém.
Động đất quy mô lớn dẫn tới tỷ lệ tử vong cao hơn ở nơi chính phủ không áp dụng nhiều biện pháp đối phó. Chúng ta có thể so sánh trận động đất 7,8 độ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria năm 2023 có tỷ lệ tử vong lên tới 41 nghìn người.
Động đất mạnh 7,6 độ richter ở Pakistan năm 2005 khiến hơn 86 nghìn người chết. Nhưng trận động đất năm 2011 tại Nhật Bản có khoảng 20 nghìn người chết, thấp hơn nhiều so với các thảm họa trên dù độ richter cao hơn.
Nhật Bản là một trong những nước có hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới. Vì nguy hiểm luôn rình rập, nước này đã và đang tìm cách chung sống với động đất. Nhờ những kinh nghiệm ứng phó trước đây, mức độ thiệt hại sau mỗi lần động đất tại Nhật Bản lại được giảm thiểu.
Theo GS Daniel Aldrich, chuyên gia về thảm họa và phục hồi tại Đại học Northeastern, Mỹ, Nhật Bản kết hợp chuẩn bị đối phó động đất vào đời sống thường nhật.
Chuyên gia này cho biết, Chính phủ Nhật Bản triển khai nhiều sáng kiến trong và sau thảm họa như diễn tập và huấn luyện xử lý sự cố, xây các tòa nhà với chỉ dẫn thoát hiểm để sơ tán, lắp đặt hệ thống cảnh báo động đất (thường 30 giây trước khi động đất xảy ra), tập huấn lực lượng phản ứng nhanh.
Do đó, người dân được chuẩn bị để đối phó với tình huống khẩn cấp. Nhiều người sống ở Nhật Bản biết cách chuẩn bị cho động đất và phản ứng nếu thảm họa xảy ra. Ngay cả học sinh cũng tích cực tham gia diễn tập chống động đất, tương tự trường học ở Mỹ diễn tập sự cố hỏa hoạn hoặc nổ súng.
Khi sống ở Tokyo, ông Aldrich từng tham gia luyện tập cách sử dụng thiết bị cứu hỏa và thực hành sơ cứu, hoạt động có thể giúp ích trong trường hợp động đất.
“Nhật Bản làm rất tốt việc xây dựng phản ứng theo cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên. Chúng ta không thể ngăn chặn động đất. Những gì chúng ta có thể làm là áp dụng hàng loạt biện pháp bảo vệ vào môi trường sống”, ông Aldrich cho hay.
Nhiều ngôi nhà bị thiệt hại nặng nề nhưng không sụp đổ. Ảnh: CNN |
Hệ thống nhà chống động đất
Theo ông Keith Porter, Kỹ sư trưởng tại Viện Giảm thiểu rủi ro thảm kịch Canada, hiểu rõ cách chuẩn bị tốt nhất cho động đất lớn giúp Nhật Bản giảm thiểu thiệt hại và nó bắt nguồn từ kinh nghiệm tích luỹ trong quá khứ. Bên cạnh sự quản lý nghiêm ngặt từ chính phủ, quy định xây dựng nhà cửa chống động đất cũng góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Quy định này được đánh giá, cập nhật liên tục theo thời gian thực. Cụ thể, quy định đầu tiên được ban hành năm 1923 sau một trận động đất mạnh 7,9 độ richter khiến hơn 140 nghìn người chết và hàng trăm công trình sụp đổ. Trong nhiều lần sửa đổi, đáng chú ý nhất là Luật Tiêu chuẩn xây dựng năm 1950 và Sửa đổi tiêu chuẩn xây dựng chống động đất mới vào năm 1981.
Luật nêu rõ tiêu chí những tòa nhà cần đạt được trong động đất. Đạo luật năm 1950 nêu tiêu chuẩn tòa nhà cần chịu được động đất mạnh 7 độ mà không gặp vấn đề đáng nghiêm trọng.
Còn Sửa đổi năm 1981 yêu cầu khi động đất mạnh tới 7 độ xảy ra, một tòa nhà được coi là chống động đất sẽ chỉ chịu thiệt hại nhỏ và vẫn có thể hoạt động như bình thường. Đối với động đất mạnh hơn, nhà đạt tiêu chuẩn chống động đất là không thể sụp đổ.
Dựa trên tiêu chí này, ông Porter giải thích tòa nhà được cho là xây dựng thành công nếu không sụp đổ và gây chết người trong động đất, ngay cả khi nó chịu thiệt hại nặng nề đến mức không thể sửa chữa. Điều này giúp giảm thiểu tối đa số người chết và bị thương trong động đất do nhà cửa đổ vỡ.
Bên cạnh đó, các tòa nhà ở Nhật Bản được thiết kế để chịu rung lắc. Một phương pháp phổ biến là lắp đặt lớp đệm làm từ vật liệu hấp thụ tốt như cao su ở đáy nền móng tòa nhà, giúp giảm chấn động từ chuyển động xê dịch đối với công trình. Phương pháp khác là xây dựng toàn bộ tòa nhà trên một lớp đệm dày để có thể phân tách tòa nhà và đất trong trường hợp nền dịch chuyển.
Tuy nhiên, một số thách thức đặc biệt phát sinh phụ thuộc vào vị trí của tòa nhà như nằm ở vùng thủy phân, tại đó nền đất không thể tiếp tục chịu sức nặng của công trình.
Ngoài ra, hệ quả sau động đất lớn như hỏa hoạn hay thiệt hại do sóng thần cũng góp phần phá hủy nhà cửa. Đó là lý do quy định an toàn xây dựng chỉ là một phần trong biện pháp chung sống với động đất của Nhật Bản.
Trận động đất đầu năm 2024 càng khiến các chuyên gia tin rằng không người dân ở đâu trên Trái đất có thể sẵn sàng ứng phó với thảm họa như người Nhật xét theo những biện pháp chuẩn bị định kỳ trong nước như lập kế hoạch và diễn tập sơ tán. Những trung tâm sơ tán như trường học hoặc nơi công cộng trang bị sẵn vật dụng khẩn cấp. Nhật Bản cũng sở hữu hệ thống cảnh báo hiệu quả với cả động đất và nguy cơ sóng thần.
Kết quả ngày hôm nay mà đất nước này đạt được là sự tổng hòa của nhiều biện pháp, với sự chung tay, góp sức từ chính phủ đến người dân nhằm đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do động đất gây ra.