Tấm thẻ kết nối đầu năm của người Nhật Bản

GD&TĐ - Nhờ vào lời cầu nguyện ghi trên thẻ, người Nhật Bản cảm nhận được sự tương thông và tình đoàn kết sâu sắc.

Thẻ cầu nguyện không chỉ kết nối tâm linh, mà còn chia sẻ tâm lý giữa các cư dân Nhật Bản với nhau. Ảnh: Benny Marty, Alamy.com
Thẻ cầu nguyện không chỉ kết nối tâm linh, mà còn chia sẻ tâm lý giữa các cư dân Nhật Bản với nhau. Ảnh: Benny Marty, Alamy.com

Sau khoảng khắc Giao thừa, người Nhật Bản đổ tới các đền, chùa để mua tấm thẻ cầu nguyện hình ngũ giác được làm bằng gỗ để viết lên đó mong ước của mình. Nhờ vào lời cầu nguyện ghi trên thẻ, người Nhật Bản cảm nhận được sự tương thông và tình đoàn kết sâu sắc.

Truyền thống ngày Tết

Nhật Bản đã hợp nhất Tết cổ truyền vào Tết dương lịch, nhưng vẫn duy trì phong tục đầu năm như nghi thức đón giao thừa, mừng tuổi, chúc Tết, thiết đãi khách... và không quên đến đền, chùa, cầu nguyện bình an. Có 2 tín ngưỡng chính ở quốc gia này là Thần đạo và Phật giáo, cả 2 đều chuẩn bị sẵn thẻ cầu nguyện đầu năm phục vụ các tín đồ.

Tiếng Nhật Bản gọi thẻ cầu nguyện là ema. Các ema được làm từ tấm gỗ mỏng, cắt hình ngũ giác, có khoan lỗ, xỏ dây treo. Theo truyền thống Shōgatsu (tên gọi năm mới của Nhật Bản), sau phút Giao thừa và chúc mừng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, người Nhật Bản đi đến đền Thần đạo hoặc chùa Phật giáo.

Tại đó, họ lần lượt thực hiện 4 phong tục cầu nguyện năm mới là tung đồng xu vào bát cầu nguyện (saisen bako), rút quẻ (omikuji), viết điều ước lên ema và xin bùa bình an (omamori).

Các điều ước được viết trên ema thường là cầu nguyện tình yêu, sức khỏe, công danh, tài lộc, con cái… Tùy vào vị thần chính của đền, lượng thẻ cầu nguyện theo từng chủ đề có sự chênh lệch nhau. Ví dụ như ở đền Jishu Jinja (Kyoto) thờ thần mai mối Okuninushi-no-mikoto, đa phần tín đồ ghi ước mong tìm được nhân duyên.

Tấm thẻ kết nối đầu năm của người Nhật Bản ảnh 1

Thẻ cầu nguyện, ghi ước vọng đầu xuân của người Nhật Bản. Ảnh: Didier Zylberyng, Alamy.com

Ema cũng chống dịch

Thông thường, các ema có kích thước 15 x 9cm, in (hoặc vẽ) hình con ngựa, cung hoàng đạo, thần linh, phong cảnh… Tín ngưỡng Thần đạo tin rằng, ngựa là động vật thiêng, đóng vai trò trung gian truyền thông điệp giữa con người và thần linh, nên hình con ngựa được dùng như ấn chung.

Thời cổ đại, các làng Nhật Bản thường thuê nghệ nhân địa phương làm thẻ cầu nguyện, sau đó đem tặng cho đền. Dần dà, phong tục này đảo ngược. Các đền, chùa tự làm ema, phục vụ khách thăm viếng ngày đầu năm.

Thời hiện đại, hình trang trí ema đa dạng thêm với các biểu tượng trái tim, nhân vật hoạt hình, trò chơi… Các đền, chùa còn cung cấp cả ema trống, cho phép tín đồ và khách vãng lai tự vẽ theo sở thích.

Bắt đầu từ Tết Canh Tý 2020, Nhật Bản xuất hiện loại hình trang trí ema mới: Chống Covid-19. Nhiều đền, chùa cho in hình Amabie - vị thần xua đuổi bệnh dịch trong văn hóa dân gian Nhật Bản lên ema, với mong muốn nhờ ngài bảo vệ người cầu nguyện khỏi virus Corona.

Ngoài ra, họ còn in các hình ảnh, thông điệp chống Covid-19 đầy mới mẻ, sáng tạo khác. Ví dụ ở đền Kasuga Taisha (Nara), người ta phục vụ ema in hình nhân vật hoạt hình anti-Coronavirus.

Cũng kể từ năm 2020, trên các thẻ cầu nguyện của người Nhật Bản xuất hiện nội dung mới: “Xin tai qua nạn khỏi virus Corona”. Tết Kỷ Sửu 2021, Nhâm Dần 2022, ema in thông điệp chống dịch và ghi nguyện vọng “bảo vệ khỏi Covid-19”.

Sau Giao thừa, người Nhật Bản đến các đền, chùa khấn nguyện, cầu may. Ảnh: Engelhorn, Laif, Redux.js.org

Sau Giao thừa, người Nhật Bản đến các đền, chùa khấn nguyện, cầu may. Ảnh: Engelhorn, Laif, Redux.js.org

Gây dựng tình đoàn kết

Không rõ thẻ cầu nguyện năm mới xuất hiện từ năm nào nhưng, ban đầu, mục đích của nó chính là cầu nguyện thoát khỏi bệnh dịch và nạn đói. Đối với người Nhật Bản ngày xưa, đây là 2 nỗi sợ hãi lớn nhất.

Trên mỗi ema, ngoài lời ước nguyện, người Nhật Bản còn ghi rõ họ tên, tuổi tác, nơi sống. Giá treo ema của các đền, chùa đều nằm ở nơi dễ nhìn thấy và cho phép đọc. Gạt đi khía cạnh tâm linh, nó giống như bức thư ngỏ, bày tỏ tâm ý công khai.

Người Nhật Bản có thói quen che giấu tâm trạng, rất hiếm người chịu bộc bạch tâm tình trước người khác. Chỉ riêng trước ema, họ mới không e ngại bộc lộ toàn bộ nỗi lo âu, niềm khát vọng, thậm chí cả sự tham vọng. Chỉ cần đọc ema, người Nhật Bản ở mỗi thời đại đều biết được nỗi lo và ước mong chung của toàn dân tộc, qua đó hình thành sự thấu hiểu.

Ngày nay, người Nhật Bản vẫn “khư khư ôm chuyện một mình”, nên sức khỏe tâm thần của họ thuộc nhóm “đáng lo ngại nhất thế giới”. Covid-19 góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề này.

“Trong bối cảnh dịch bệnh chưa dừng lại, thẻ cầu nguyện dường như quay trở về vai trò nguyên thủy, phản ánh nỗi sợ hãi chung”, Giáo sư Jennifer Robertson (Đại học Michigan) có thâm niên nghiên cứu ema hơn 40 năm, nhận thấy.

Trước các ema mang thông điệp chống dịch, cầu sức khỏe, người Nhật Bản mới thấy mình không cô độc trong nỗi sợ hãi dịch bệnh. Họ chia sẻ tâm trạng bất an và hình thành tâm lý đoàn kết, khích lệ lẫn nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.