Chợ Trung tâm thương mại Đô Lương, tỉnh Nghệ An (chợ cũ) có 1.080 ki ốt, là nơi kinh doanh, buôn bán của hàng trăm tiểu thương nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau thời gian dài hoạt động, chợ đang ngày càng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Năm 2019, Hợp tác xã đầu tư, xây dựng và khai thác chợ Hải An triển khai xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Đô Lương (chợ mới). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 330 tỷ đồng trên diện tích 3,44ha; với 1.338 ki ốt, quầy hàng, sạp hàng.
Ngày 28/12/2020, UBND huyện Đô Lương có thông báo số 292/TB-UBND về việc đăng ký thuê ốt tại chợ mới, trong đó các hộ kinh doanh tại chợ cũ (nếu tiếp tục có nhu cầu kinh doanh) sẽ được bố trí ki ốt kinh doanh tại chợ mới.
Các hộ kinh doanh được lựa chọn trả tiền thuê diện tích bán hàng tại chợ mới theo 2 phương án: Trả tiền hàng năm (12 tháng/lần) hoặc trả 1 lần cho cả thời gian thực hiện dự án (47 năm). Giá tiền thuê theo diện tích được thực hiện theo quy định tại Quyết định 73/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An.
Đến tháng 9/2021, có hơn 1.000 ki ốt tại chợ mới đã được tiểu thương thuê và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tại chợ cũ vẫn còn hơn 100 hộ ở lại kinh doanh.
Theo quan sát, chợ cũ Đô Lương hiện nay đã không còn cảnh đông vui, người bán người mua náo nhiệt như xưa. Thay vào đó là khung cảnh ảm đạm lạ thường, nhiều ki ốt bị bỏ không, lác đác vài khách vào hỏi mua hàng.
Vì vắng khách, nhiều tiểu thương bán hoa quả, rau phải mang gánh hàng của mình ngồi sát tận ngoài lối vào đình chợ. Còn phía trong đình, hầu hết các ki ốt đều vắng bóng người bán, chỉ còn lác đác vài hộ còn bày bàn hàng.
Có 2 ki ốt kinh doanh tại đình 1 chợ cũ, chị Nguyễn Thị Hằng (trú xã Đông Sơn, huyện Đô Lương) cho biết, những ki ốt bên cạnh chị điều đã đóng cửa, các tiểu thương hầu hết chuyển sang chợ mới kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, vì không có tiền thuê ki ốt bên chợ mới nên chị vẫn phải bám trụ tại chợ cũ.
“Nếu sang chợ mới, tôi phải đóng hơn 400 triệu đồng để thuê 2 ki ốt có diện tích tương đương, vì không có tiền nên vẫn phải chấp nhận ở lại. Rất mong UBND huyện Đô Lương có chính sách hỗ trợ cho những tiểu thương như chúng tôi”, chị Hằng tâm sự.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Hải (trú xã Yên Sơn, huyện Đô Lương) có sạp hàng nhỏ, buôn bán hàng rau củ tại chợ cũ Đô Lương đã 17 năm nay. Cũng như những tiểu thương khác, bà Hải không có tiền để thuê ki ốt nên vẫn phải ở lại.
“Những người có tiền họ ra chợ mới rồi, còn mình không có tiền nên vẫn ở lại. Trước đây, mỗi ngày kiếm được 100 đồng nuôi gia đình, tuy nhiên từ khi có dịch ngày kiếm được 50 nghìn đồng đã rất khó. Tôi cũng rất muốn chủ đầu tư giảm giá thuê ki ốt, tiếp tục làm ăn”, bà Hải ngậm ngùi nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, hiện nay huyện Đô Lương đã có tờ trình gửi Sở Công Thương xin ý kiến phương án di dời chợ cũ sang chợ mới, đồng thời cho đóng chợ cũ. Sở Công Thương cũng đang xin UBND tỉnh Nghệ An quyết định đóng cửa chợ.
“Nếu tính theo năm thuê thì mức giá của chủ đầu tư dự án thấp hơn giá UBND tỉnh quy định, tuy nhiên vẫn còn một số tiểu thương không có đủ tiền để nộp. UBND huyện đang đàm phán với chủ đầu tư rà soát những hộ gia đình kinh doanh nhỏ, có hoàn cảnh khó khăn để thống nhất phương án hỗ trợ”, ông Thành nói thêm.