Vì sao Guus Hiddink bại trận trước Park Hang-seo ở Trung Quốc

Thất bại của Guus Hiddink và U22 Trung Quốc trước thầy trò HLV Park Hang-seo chỉ là kết quả tất yếu từ sự chênh lệch giữa hai nền bóng đá trong vài năm trở lại đây.

U22 Việt Nam không có lực lượng mạnh nhất vẫn dễ dàng đánh bại U22 Trung Quốc.
U22 Việt Nam không có lực lượng mạnh nhất vẫn dễ dàng đánh bại U22 Trung Quốc.

Tối 8/9, một mốc son mới của bóng đá Việt Nam dưới thời Park Hang-seo được thiết lập khi U22 Việt Nam vượt qua U22 Trung Quốc của Guus Hiddink với tỷ số 2-0 ngay trên sân khách.

Tuy nhiên, đây không phải một kết quả bất ngờ. Những người theo dõi bóng đá châu Á hai năm trở lại đây đều hiểu thất bại của U22 Trung Quốc là hệ quả tất yếu cho sự sa sút của một nền bóng đá.

Hiddink không có đủ "nguyên liệu"

Chiến lược gia người Hà Lan tiếp quản U22 Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái. Dù cầm quân khá lâu nhưng trên thực tế, Hiddink mới có một giải đấu chính thức là vòng loại U23 châu Á 2020 hồi tháng 3.

Ở vòng loại này, U22 Trung Quốc bị Malaysia cầm hòa, chật vật giành vé tới vòng chung kết nhờ chênh lệch hiệu số bàn thắng bại.

Ngoài giải đấu này, Hiddink phải dành phần lớn thời gian cho các sự kiện giao hữu. Đội bóng của ông không có cơ hội trải nghiệm không khí đỉnh cao ở đội tuyển trong khi tại CLB, họ hầu như không được ra sân.

International Youth Football Tournament hay Toulon Tournament Group là những giải đấu hiếm hoi mà U22 Trung Quốc tham dự.

Đạo luật sử dụng cầu thủ U23 ở Trung Quốc trở thành trò hề khi các CLB liên tục lách luật. Nhằm đối phó quy định mỗi đội bóng phải có một cầu thủ U23 đá chính và ba cầu thủ ra sân mỗi trận, nhiều CLB Trung Quốc chỉ cho cầu thủ trẻ thi đấu vài chục giây. Tình trạng này kéo dài dẫn tới việc bóng đá trẻ Trung Quốc không thể tiến lên.

Hiddink xuất chúng nhưng bóng đá Trung Quốc không cho ông những nguyên liệu cần thiết.
 Hiddink xuất chúng nhưng bóng đá Trung Quốc không cho ông những nguyên liệu cần thiết.

Khi tiếp quản U22 Trung Quốc, Hiddink từng nói về việc Trung Quốc phải tạo nhiều cơ hội hơn cho bóng đá trẻ. Nhưng nỗ lực đơn lẻ của ông là không đủ.

Giống như Marcello Lippi ở tuyển quốc gia, Hiddink không thiếu tài năng. Tuy nhiên, thế hệ hiện tại của bóng đá Trung Quốc không mang tới đủ những “nguyên liệu” cần thiết cho “bữa tiệc” mà ông muốn dọn ra.

Thiếu hụt tài năng bóng đá trẻ ở Trung Quốc là vấn đề mang tính lịch sử bởi ở quốc gia này, bóng bàn mới là số một. So với bóng đá, bóng bàn đầu tư ít hơn, chiếm không gian nhỏ hơn, chi phí đầu tư rẻ hơn là lựa chọn ưu việt với Trung Quốc.

Trước Hiddink, huyền thoại Lippi cũng không thể giúp bóng đá Trung Quốc trở lại World Cup và phải dừng bước ở tứ kết Asian Cup 2019. Trong ba nền bóng đá phát triển của Đông Á, Trung Quốc đứng cuối cùng, có ít cầu thủ xuất ngoại nhất, thành tích với thế giới kém nhất.

Điều U22 Trung Quốc thiếu là thứ Việt Nam có thừa

Điều Trung Quốc thiếu lại là thứ thầy trò HLV Park Hang-seo có thừa. Một tháng nữa, ông Park sẽ tròn hai năm dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Lứa U23 của ông đã trải qua ba giải đấu lớn, hàng loạt sự kiện giao hữu.

Dù chưa có Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, 11 cầu thủ ra sân ở Vũ Hán vẫn là bằng chứng cho một nền bóng đá trẻ đang lên. Nhiều người trong số họ là tuyển thủ quốc gia như Nguyễn Tiến Linh, Triệu Việt Hưng, Hồ Tấn Tài, Bùi Tiến Dũng... So về trình độ cũng như kinh nghiệm, họ đều vượt trội đối thủ.

HLV Park Hang-seo đã đánh bại người đàn anh, người bạn lớn Hiddink.
HLV Park Hang-seo đã đánh bại người đàn anh, người bạn lớn Hiddink.

Chiến thắng của U22 Việt Nam trước Trung Quốc là kết cục tất yếu bởi Việt Nam đã trội hơn Trung Quốc trong mọi giải đấu châu lục thời gian qua. Lấy vòng chung kết U19 châu Á 2016 làm cột mốc, U19 Việt Nam vào bán kết, dự World Cup trẻ còn U19 Trung Quốc bị loại từ vòng bảng, thua cả đội bóng nhỏ bé Tajikistan.

Ba năm sau ngày đó, Việt Nam vào chung kết U23 châu Á còn Trung Quốc bị loại sau vòng bảng, Việt Nam vào bán kết ASIAD còn Trung Quốc dừng bước ở vòng 16 đội. Vòng loại U23 châu Á 2020 vừa qua, Việt Nam hủy diệt Thái Lan, đi tiếp với ngôi nhất bảng còn Trung Quốc hòa Malaysia, lách qua khe cửa hẹp.

Sự khác biệt về kinh nghiệm đỉnh cao được đôi bên thể hiện trong trận đấu tối qua. Về cơ bản, cả Hiddink và Park Hang-seo đều chơi cùng một kiểu.

Lối đá của họ là lối chơi tập thể, dồn bóng về một cánh, đập nhả hai ba chạm, hút đối phương trước khi chuyển hướng tấn công sang cánh bên kia. Lối đá ấy đã liên tục mang lại hiệu quả khi Hoàng Đức, Nguyễn Trọng Hùng và sang hiệp hai là Ngô Hồng Phước có các pha băng lên dứt điểm nguy hiểm.

U22 Trung Quốc cũng chơi như vậy nhưng khả năng làm tường không tốt ở vị trí đá cắm, tốc độ xử lý chậm tại vùng half-space (hành lang trong) khiến các pha lên bóng của họ thiếu đi sự mượt mà. Sự nhuần nhuyễn đến từ trải nghiệm đỉnh cao là sự khác biệt giữa đôi bên.

Hàng thủ Trung Quốc cũng không được tổ chức tốt. Hai bàn thắng của U22 Việt Nam đều tới theo cùng một kịch bản. Huỳnh Tấn Sinh chuyền dài, Tấn Tài băng xuống, căng ngang cho Tiến Linh lao vào đệm bóng. Hàng thủ Trung Quốc sập bẫy trong cả hai lần.

Thế giới bóng đá gọi Hiddink là “Phù thủy” vì luôn giúp các đội bóng nhỏ chơi vượt xa khả năng của mình, điển hình là thành công của Hàn Quốc ở World Cup 2002 hay tuyển Nga ở EURO 2008. Nhưng với Trung Quốc, có lẽ Hiddink đang chưa có phương án khả dĩ.

Một mình ông không thể vực dậy cả nền bóng đá, một mình ông không thể giúp U22 Trung Quốc đánh bại đối thủ mạnh hơn hẳn mang tên U22 Việt Nam.

Theo zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.