Những tiêm kích F-16 được trang bị tên lửa không đối không tiên tiến, mang lại cho Ukraine khả năng mới trong việc bảo vệ không phận và tiến hành các hoạt động tác chiến.
Tuy nhiên bất chấp niềm vui có được vũ khí mới, thực tế hóa ra phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi sự chuẩn bị cũng như các biện pháp nghiêm túc để bảo vệ những phương tiện chiến đấu đắt tiền này.
Với sự xuất hiện của những chiếc F-16 đầu tiên, quân đội Ukraine phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết là đảm bảo an toàn và an ninh cho chúng. Mối đe dọa chính đối với họ là các cuộc không kích của Nga.
Vì vậy nhiệm vụ đặt ra không chỉ là huấn luyện kỹ thuật viên mặt đất mà còn tạo ra mô hình ngụy trang để đánh lừa đối phương. Việc sản xuất những mô hình này diễn ra sau khi cách thức này mang lại hiệu quả đặc biệt.
Hình nộm và mô hình bơm hơi đã được cả hai bên sử dụng rộng rãi. Chiến thuật này tuy không mới nhưng vẫn tỏ ra hiệu quả. Ví dụ, hệ thống vũ khí đầu tiên của Ukraine được sao chép làm mồi nhử là tên lửa chống tăng Stugna-P.
Sau đó các mô hình bằng gỗ của HIMARS MLRS bắt đầu được sử dụng, điều này có thể tạm thời gây nhầm lẫn cho máy bay không người lái của Nga. Vào tháng 8 năm 2023, công ty Metinvest của Ukraine cho biết đã sản xuất hơn 250 radar và pháo phản lực mồi nhử, đây cũng là một phần của chiến lược nói trên.
Ukraine nhận ra rằng F-16 sẽ trở thành mục tiêu chính của hàng không Nga, cho nên đang tích cực sử dụng chiến thuật đánh lừa và đưa thông tin sai lệch. Thao tác trên mặc dù đòi hỏi nỗ lực đáng kể, nhưng cho phép duy trì hiệu quả chiến đấu và giảm thiểu tổn thất thiết bị.
Một trong những vấn đề chính mà Lực lượng vũ trang Ukraine phải đối mặt là thiếu phi công được đào tạo và nhân viên kỹ thuật để bảo trì F-16.
Mặc dù nhiều phi công Ukraine đã được đào tạo ở châu Âu nhưng họ sẽ cần thời gian đáng kể để làm quen với máy bay mới trong điều kiện chiến đấu thực tế.
Việc thiếu nhân sự được đào tạo đầy đủ rõ ràng đang gây ra nhiều khó khăn cho việc duy trì hoạt động của F-16, một thách thức lớn đối với Không quân Ukraine.
Chưa dừng lại đây, số lượng tiêm kích F-16 do phương Tây cung cấp vẫn quá ít, chưa đủ 1 tiểu đoàn tiêu chuẩn, khó phối hợp tác chiến theo kiểu bao quát chiến trường đúng như khuyến cáo, sẽ rất bất lợi khi phải đối đầu phi công Nga đã nghiên cứu kỹ về phương tiện này.
Bên cạnh đó, Kyiv còn đang chờ các loại vũ khí mới được Mỹ cam kết cung cấp, hoặc đang xem xét chuyển giao nhưng chưa tới tay họ, điển hình như tên lửa không đối đất tàng hình AGM-158 JASSM, để F-16 có thể thực hiện cuộc tấn công tầm xa hiệu quả.
Do vậy giới chuyên môn không ngạc nhiên khi các tiêm kích F-16 này chưa góp mặt nhiều trong các trận chiến, bất chấp việc quân nhân Ukraine mong chờ những máy bay này từ rất lâu.