Quyết định trên của Không quân Ấn Độ (IAF) có vẻ khá hợp lý trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự chậm trễ trong việc đưa vào sử dụng cả máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas nội địa và chiếc Dassault Rafale mua từ Pháp.
Theo đề nghị của Không quân Ấn Độ gửi Bộ Quốc phòng, họ yêu cầu các "đối tác công nghiệp" khẩn trương sửa đổi lô 24 chiếc MiG-29UPG đầu tiên để trang bị cho chúng vũ khí tầm xa, cho phép họ tấn công và né tránh đòn trả đũa từ kẻ địch.
Một trong những loại vũ khí mới sẽ bao gồm bom lượn dẫn đường HSLD Mark-II (với tầm xa được Ấn Độ tuyên bố là “hơn 180 km”), đi kèm tên lửa đạn đạo Rampage của Israel.
"Việc sửa đổi MiG-29 sẽ bao gồm việc thiết kế và tích hợp các giá treo bom phù hợp, để lắp đặt trên các điểm cứng bên ngoài - dưới cánh hoặc thân máy bay, cũng như phát triển gói phần mềm điện tử hàng không và nhiều thiết bị liên quan khác", trang Indian Defense News (IDN) đưa tin.
Lần đầu tiên được đưa vào biên chế IAF từ năm 1986, khoảng 66 chiếc MiG-29 có nguồn gốc Liên Xô/Nga đang phục vụ trong 3 phi đội đóng quân gần biên giới Pakistan. Một trong số đó gần đây đã được đưa đến Srinagar để thay thế những chiếc MiG-21 bị loại biên.
Ngoài ra Hải quân Ấn Độ đã mua 35 chiếc MiG-29K cho các tàu sân bay của mình. Vì vậy IDN lưu ý, việc sửa đổi MiG-29 thành phương tiện mang bom HSLD trong tương lai là điều rất được quan tâm.
"Trong nửa sau thập kỷ trước, MiG-29 của IAF đã trải qua quá trình sửa đổi và hiện đại hóa quy mô lớn, giúp tăng đáng kể hiệu quả chiến đấu của chúng. Được gọi là MiG-29UPG - biến thể này bao gồm cải tiến ở khung thân cũng như hệ thống điện tử hàng không, radar, tên lửa, vũ khí và bộ tác chiến điện tử mới", tờ IDN chỉ ra.
Ngoài việc hiện đại hóa MiG-29, Không quân Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch cho một chương trình mới nhằm kéo dài thời gian phục vụ của các máy bay chiến đấu này.
Dự án đầu tiên diễn ra vào giữa những năm 2000, giúp tuổi thọ kỹ thuật của khung máy bay MiG-29 được kéo dài từ 25 lên 40 năm. Tuy nhiên do bắt đầu hết hạn sử dụng vào năm 2025, nên dự kiến các tiêm kích này cần được gia hạn thêm ít nhất 10 năm nữa.
Về vấn đề này, điểm mấu chốt là chương trình nâng cấp động cơ cho toàn bộ phi đội MiG-29 của Ấn Độ. Thiết bị mới sẽ được sản xuất bởi Hindustan Aeronautics phối hợp với Nga, sản phẩm chính là phiên bản cải tiến mới nhất của động cơ RD-33MK.
"Động cơ này hiện được sử dụng trên các tiêm kích hạm MiG-29K/KUB và MiG-29SMT của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. RD-33MK đã cải thiện tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng, mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn và tuổi thọ dài hơn", chuyên gia quân sự Ấn Độ Vijainder K. Thakur giải thích trên tờ EurAsian Times.
Theo ông Thakur, New Delhi nên khởi động lại thương vụ mua sắm 21 máy bay chiến đấu MiG-29 từ Nga, được nước này khởi xướng vào năm 2019, bởi sẽ cho phép Không quân Ấn Độ thành lập một phi đội bổ sung, khi những chiếc MiG-21 sắp “nghỉ hưu” theo kế hoạch.
"Do MiG-29 không còn được sản xuất nên Nga đã lên kế hoạch nâng cấp các khung máy bay chưa sử dụng trong kho dự trữ lên tiêu chuẩn MiG-29UPG - hiện đang phục vụ trong biên chế IAF".
"Nga đã đệ trình đề xuất thương mại cho loại máy bay này vào năm 2021. Nhưng sau đó thương vụ rơi vào tình trạng lấp lửng, rất có thể là do tình hình chiến sự Ukraine và các lệnh trừng phạt chống Nga do Hoa Kỳ áp đặt", ông Thakur nhớ lại.
Giờ đây thỏa thuận này đã trở nên khả thi và rất có khả năng xảy ra, bởi vì Ấn Độ và Nga đã đồng ý về các điều khoản thanh toán cho hoạt động thương mại của họ trong khuôn khổ BRICS, tức là bỏ qua mọi lệnh trừng phạt hiện có và tiềm năng từ Hoa Kỳ cũng như phương Tây.