Động thái mới nhất từ Armenia

GD&TĐ - Động thái mới nhất từ Armenia cho thấy nước này sẵn sàng đối đầu và sẽ sớm rời khỏi Tổ chức CSTO do Moskva lãnh đạo.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đang theo đuổi chính sách hướng Tây.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đang theo đuổi chính sách hướng Tây.

Truyền thông Nga cho biết, sự xuất hiện bất ngờ của một số lượng đáng kể các hệ thống tên lửa phòng không S-125 và tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U lỗi thời trong tay Kyiv là do Armenia đã gửi vũ khí của mình sang Ukraine nhằm đổi lấy lời hứa bảo vệ từ Mỹ.

Theo giới phân tích tại Moskva, trong điều kiện bất ổn địa chính trị và đối diện mối đe dọa từ các nước trong khu vực, Yerevan đang tìm cách tăng cường an ninh của mình, bao gồm cả việc thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với những đối tác phương Tây.

Trước đây các hệ thống S-125 và tổ hợp Tochka-U bị xem là không phù hợp với một cuộc chiến hiện đại, tuy nhiên trong bối cảnh xung đột hiện nay ở Ukraine, chúng có thể tỏ ra hữu ích.

Điều thu hút sự quan tâm từ phía Nga còn nằm ở việc chính quyền Armenia thời gian qua đã theo đuổi nỗ lực gia nhập EU một cách mạnh mẽ, tương phản hoàn toàn thái độ của họ đối với Tổ chức CSTO, và khi đã trực tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraine, việc Yerevan rời đi chỉ còn là vấn đề thời gian.

"Yerevan dự định trở thành một phần của Liên minh châu Âu trong năm nay", điều này đã được tuyên bố bởi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, bởi theo ý kiến cá nhân của ông, không có trở ngại nào đối với việc nước này gia nhập EU.

Thủ tướng Pashinyan đã nêu mục tiêu xoay trục sang phương Tây và gia nhập Liên minh châu Âu sau thất bại của Armenia trong một cuộc chiến tranh với Azerbaijan, kết quả là vùng đất Nagorno-Karabakh đã nằm dưới sự kiểm soát của Baku.

Theo Thủ tướng Armenia, Nga có trách nhiệm lớn khi Moskva từ chối hỗ trợ Yerevan và thực sự đứng về phía Azerbaijan, khiến ông Pashinyan buộc phải chính tay ký văn bản công nhận chủ quyền của Baku đối với Nagorno-Karabakh.

Những gì diễn ra dẫn tới những cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại ông Pashinyan diễn ra trên khắp lãnh thổ Armenia. Sự bất bình của người dân là dễ hiểu khi nhiều ngôi làng ở biên giới luôn được người Armenia coi là của họ nhưng hiện đã thuộc về Azerbaijan.

Quan điểm của ông Pashinyan với Nga ngày càng trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi Thủ tướng Armenia thực hiện chuyến thăm Moskva và tiến hành hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin.

Thủ tướng Armenia sau đó đã từ chối tham dự Lễ duyệt binh Chiến thắng vào ngày 9 tháng 5 với lý do ông đã xem nó vào năm ngoái, điều này khiến Nga cảm thấy rất không hài lòng.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh Armenia đã hơn một lần nói về việc rời khỏi Tổ chức Hiệp ước phòng thủ tập thể (CSTO). Nếu tiến trình gia nhập EU thuận lợi, việc rời CSTO dự báo sẽ được Yerevan đẩy nhanh bởi đây gần như là điều kiện tiên quyết.

f.jpg
Thất bại trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh khiến quyết tâm rời CSTO của Armenia được thúc đẩy mạnh mẽ.

Thậm chí căng thẳng còn gia tăng khi Thủ tướng Pashinyan cáo buộc hai quốc gia thuộc CSTO đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh ở Karabakh nhằm chống lại họ trong năm 2020.

Ông Nikol Pashinyan không nêu tên các quốc gia cụ thể mà nói rằng họ có liên quan mật thiết đến cuộc chiến tại khu vực tranh chấp. Thủ tướng Armenia nhấn mạnh điều này trước quốc hội nước cộng hòa và thu hút sự quan tâm đặc biệt.

"Các đồng minh của chúng ta đã tham gia chuẩn bị cho cuộc chiến 44 ngày vào năm 2020. Tôi biết rõ ít nhất hai quốc gia CSTO có liên quan mật thiết tới cuộc chiến nhằm chống lại chúng ta", Thủ tướng Armenia nói rõ.

Người đứng đầu chính phủ Armenia cũng đưa ra bình luận về các cuộc biểu tình phản đối việc chuyển giao một số ngôi làng vốn do họ kiểm soát sang cho Azerbaijan.

Ông Pashinyan đã cho các nghị sĩ xem bản đồ do Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô xuất bản năm 1976, trên cơ sở đó, việc phân định biên giới với nước cộng hòa láng giềng được thực hiện, việc trả lại những ngôi làng cho Azerbaijan vì vậy nên xem là hợp lý.

Trong thời gian tới, Armenia dự định sẽ đẩy nhanh việc gia nhập Liên minh châu Âu, họ đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác quốc phòng với phương Tây mà điển hình là với Pháp và Mỹ nhằm nâng cao năng lực phòng thủ.

Viễn cảnh xa hơn là quốc gia vùng Kavkaz này sẽ gia nhập NATO khi không còn nhận được sự đảm bảo an ninh đủ tin cậy từ Nga, diễn biến trên chắc chắn sẽ khiến Moskva cảm thấy lo lắng và có thể đưa ra phản ứng rất mạnh mẽ.

Lắp ráp đạn tên lửa 5V27 thuộc tổ hợp phòng không S-125 của Ukraine.
Theo Avia-pro

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ