Vì sao EU phạt nước thành viên 200 triệu euro?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chính phủ Hungary đã bị Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) ra lệnh phải nộp trả 200 triệu euro (216 triệu USD) cho EU vì từ chối tiếp nhận người di cư.

EU phạt Hungary vì từ chối tiếp nhận người di cư
EU phạt Hungary vì từ chối tiếp nhận người di cư

Chính phủ Hungary đã bị Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) ra lệnh phải nộp trả 200 triệu euro (216 triệu USD) cho Liên minh châu Âu (EU) vì không tuân thủ các quy định về tị nạn của khối.

Ngoài hình phạt một lần, tòa án có trụ sở tại Luxembourg còn ra phán quyết rằng, Budapest phải trả 1 triệu euro mỗi ngày cho đến khi thực thi đầy đủ luật.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã chỉ trích phán quyết này là “thái quá và không thể chấp nhận được”.

“Có vẻ như những người di cư bất hợp pháp quan trọng đối với các quan chức Brussels hơn là công dân châu Âu của họ”, ông Orban viết trong một bài đăng trên nền tảng X (trước đây là Twitter), đồng thời tuyên bố rằng, Hungary đã được lệnh phải trả hàng triệu USD để bảo vệ biên giới của mình.

Tranh chấp bắt đầu từ tháng 12/2020, khi tòa án hàng đầu của EU lần đầu tiên ra phán quyết rằng, Budapest hạn chế quyền tiếp cận các thủ tục tị nạn đối với những người đang tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế tại quốc gia này, khiến quá trình nộp đơn “hầu như không thể thực hiện được”.

Vào thời điểm đó, tòa án cũng ra phán quyết rằng, chính quyền Hungary đã giữ những người xin tị nạn ở “khu vực quá cảnh” một cách bất hợp pháp với những điều kiện tương đương với việc giam giữ, cũng như vi phạm quyền kháng cáo của họ.

Trong phán quyết mới nhất, tòa án thừa nhận rằng, Budapest đã đóng cửa “khu vực quá cảnh”, nhưng thắt chặt các quy định nhằm cấm những người xin tị nạn trong tương lai.

ECJ cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, việc không “thực hiện nghĩa vụ cấu thành hành vi vi phạm luật pháp EU chưa từng có và đặc biệt nghiêm trọng”.

Năm ngoái, các đại sứ EU đã nhất trí về một hiệp ước di cư mang tính bước ngoặt, theo đó những người nhập cư bất hợp pháp, hầu hết đến Ý và Hy Lạp sau khi vượt Địa Trung Hải, sẽ được chuyển sang các nước EU khác theo hạn ngạch.

Theo luật pháp, các quốc gia thành viên không nằm dọc biên giới bên ngoài của khối có thể chọn chấp nhận người tị nạn hoặc trả tiền bồi thường cho quỹ EU.

Hiệp ước này nhằm mục đích chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư sau khi các quốc gia thành viên phía đông EU không sẵn lòng tiếp nhận những người đã đến Hy Lạp, Ý và các nước khác.

Hungary và Ba Lan đã bỏ phiếu chống lại hiệp ước, trong khi Áo, Slovakia và Cộng hòa Séc bỏ phiếu trắng.

Khi đó, Thủ tướng Hungary Orban cho biết, EU đã “bắt nạt" Hungary và Ba Lan một cách hợp pháp bằng cách ép buộc thông qua một thỏa thuận buộc các quốc gia thành viên phải chấp nhận hạn ngạch nhập cư bất hợp pháp, đồng thời nói thêm rằng, ông sẽ không thỏa hiệp với Brussels về một thỏa thuận như vậy.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ