Vì sao có người miễn nhiễm Covid-19?

GD&TĐ - Không ít chuyên gia đã đặt ra câu hỏi: Liệu, có phải những người không mắc Covid-19 đã được miễn dịch bằng cách nào đó?

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Đã hơn ba năm kể từ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận trên thế giới. Kể từ đó, chúng ta đã chứng kiến hàng trăm triệu trường hợp mắc Covid-19. Không ít người có thể đã mắc bệnh này - ít nhất một lần, nếu không muốn nói là nhiều lần.

Khi các đợt lây nhiễm liên tục ập đến, ngày càng có ít người chưa từng mắc Covid-19. Tuy nhiên, ngay cả khi tính đến những người đã mắc bệnh không triệu chứng, đến nay có lẽ vẫn có một số cá nhân “né” được virus này.

Không ít chuyên gia đã đặt ra câu hỏi: Liệu, có phải những người không mắc Covid-19 đã được miễn dịch bằng cách nào đó? Có phải họ sở hữu một số đột biến gen thuận lợi? Có phải họ chỉ đơn giản là tránh mọi người và tiếp tục phòng bệnh? Hay họ chỉ gặp may và ngày những người này mắc Covid-19 chắc chắn sẽ đến?

Thật không may, chúng ta vẫn chưa biết tại sao một số người có thể “thoát” khỏi Covid-19 trong một thời gian dài như vậy. Bởi, thực tế, khoa học cần có thời gian. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đang xem xét liệu một yếu tố di truyền có giúp giải thích tại sao có những người chưa bao giờ mắc Covid-19 hay không.

Covid Human Genetic Effort, do các nhà nghiên cứu ở Mỹ dẫn đầu, đã tuyển dụng những người từng phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2, nhưng chưa từng mắc bệnh. Đó có thể là nhân viên y tế hoặc những người sống trong một hộ gia đình có trường hợp nhiễm Covid-19.

Các nhà khoa học sẽ kiểm tra ADN của người tham gia. Sau đó, tìm kiếm các đột biến bất thường có thể giải thích khả năng kháng SARS-CoV-2 rõ ràng. Đây có thể là đột biến trong các thụ thể tế bào hoặc enzym cần thiết để virus xâm nhập vào tế bào của chúng ta. Hoặc, có thể là đột biến ở gen liên quan đến phản ứng miễn dịch đối với nhiễm trùng.

Nếu có thể xác định lý do khiến mọi người miễn dịch với một loại virus cụ thể thì về mặt lý thuyết, kiến thức đó sẽ được sử dụng để ngăn ngừa sự lây nhiễm. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Điều đó có thực sự đơn giản?

Bất chấp hiểu biết của chúng ta về các đột biến gen bảo vệ một số ít người may mắn chống lại norovirus, vẫn chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị loại virus này.

Các chuyên gia cho rằng, có thể đó không phải là đột biến ở một gen, mà là sự kết hợp của các đột biến ở nhiều gen. Từ đó, khiến một số ít người miễn dịch với Covid-19.

Việc hiểu được các đột biến gen khiến ai đó kháng lại Covid-19 có thể cung cấp thông tin chi tiết giá trị về cách SARS-CoV-2 lây nhiễm và gây bệnh ở người. Nói cách khác, nó có thể thú vị về mặt khoa học, nhưng có lẽ không thú vị về mặt lâm sàng.

Mặc dù sẽ mất một thời gian trước khi chúng ta có câu trả lời từ những nghiên cứu này, nhưng các nhà khoa học tin rằng, có một nhóm nhỏ người miễn dịch tự nhiên với SARS-CoV-2 nhờ gen của họ.

SARS-CoV-2 tiếp tục lây nhiễm cho mọi người trên khắp thế giới, liên tục biến đổi và phát triển thành các biến thể mới. Tuy nhiên, nhìn chung, mức độ nghiêm trọng của nó đã giảm đi rất nhiều nhờ vắc-xin.

Các thống kê cho thấy, có khoảng 2 triệu người ở Anh báo cáo mắc hậu Covid-19. Trong đó, gần 1/5 người có các triệu chứng nghiêm trọng đến mức tình trạng này hạn chế đáng kể hoạt động hằng ngày của họ.

Các nhà khoa học cũng đặt câu hỏi về việc, tại sao một số người bị ảnh hưởng bởi hậu Covid-19, trong khi số khác thì không. Vì vậy, có lẽ, các nghiên cứu cũng nên chú trọng vào việc khám phá xem liệu một số người có thể có khuynh hướng di truyền đối với căn bệnh mãn tính có khả năng thay đổi cuộc sống hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.