Mắc Covid-19 không tạo miễn dịch bền vững

GD&TĐ -Miễn dịch được tạo ra khi mắc Covid-19 là không bền vững. Do đó, việc tiêm nhắc lại vắc-xin là vô cùng quan trọng.

Tiêm mũi nhắc vắc-xin Covid-19 sẽ làm tăng nồng độ kháng thể bảo vệ.
Tiêm mũi nhắc vắc-xin Covid-19 sẽ làm tăng nồng độ kháng thể bảo vệ.

Virus biến hóa “khôn lường”

Tại cuộc gặp mặt cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 và 4 (mũi nhắc lại) giúp duy trì bền vững hiệu quả phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, thực tế, người dân chưa hiểu biết đầy đủ. Đồng thời, chưa hình dung được rằng, miễn dịch khi mắc Covid-19 không bền vững. Theo PGS Hồng, việc tiêm nhắc lại vắc-xin là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, nhiều người nghe thông tin không đúng về phản ứng sau tiêm. Họ nghĩ rằng, tiêm nhiều vắc-xin sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, họ không tiêm nhắc lại dù số lượng vắc-xin bảo đảm đáp ứng đủ.

Theo chuyên gia này, hiện nay, sau rất nhiều nỗ lực, tỷ lệ tiêm nhắc lại mũi 3 và 4 đã tăng. Tuy nhiên, người dân còn tâm lý lơ là, chủ quan, không đi tiêm mũi nhắc lại vì cho rằng đã mắc và chủng ngừa.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cảnh báo, không như các dịch bệnh khác, virus SARS-CoV-2 biến hóa khôn lường. Với nhiều bệnh khác, virus biến mất theo thời gian hoặc giảm dần độc lực, trở thành bệnh lưu hành. Song, với Covid-19, từ biến chủng gốc, số người mắc tăng dần, sau đó xuất hiện các biến chủng Alpha, Delta, tiếp đến là Omicron.

Trong Omicron có 5 biến chủng phụ. Do vậy, GS Lân dẫn chứng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định: “Nơi nào tiêm thấp thì nơi đó chưa an toàn”. Những nơi chưa bảo đảm tiêm vẫn có nguy cơ bùng dịch.

“Bên cạnh đó, các nghiên cứu so sánh giữa F0 tiêm thêm vắc-xin và F0 không tiêm cho thấy, nhóm F0 tiêm mũi nhắc lại có kháng thể tăng rất cao, thời gian bảo vệ lâu hơn. Do đó, vắc-xin vẫn là lá chắn bảo vệ cộng đồng thời gian tới”, GS Lân cho biết.

Nhiều người “ngại” tiêm

Theo Bộ Y tế, tiêm mũi nhắc vắc-xin Covid-19 sẽ làm tăng nồng độ kháng thể bảo vệ. Qua đó, giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19. Đồng thời, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và tử vong do Covid-19.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, với những người đã tiêm vắc-xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10 - 19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vắc-xin, sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.

Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy, nếu tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên 81%. Theo kết quả nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, những người từng mắc Covid-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%. Nếu được tiêm liều nhắc, hiệu quả này là 67,6%.

Trước ý kiến cho rằng, người dân lo ngại tiếp tục tiêm vắc-xin sẽ ảnh hưởng sức khoẻ, bị tai biến, GS Phan Trọng Lân cho biết, việc bồi thường cho các trường hợp đã được nêu tại Nghị định 104 - áp dụng với tiêm chủng chống dịch và cả tiêm chủng mở rộng.

Theo nghị định này, người bị di chứng dẫn đến khuyết tật do tiêm chủng được bồi thường 30 tháng lương và các chi phí khác. Nếu thiệt mạng do tiêm chủng, chi phí mai táng tính bằng 10 tháng lương cơ sở.

Thân nhân người bị thiệt mạng nhận 100 triệu đồng bù đắp tổn thất tinh thần. Nghị định cũng nêu mức bồi thường nếu sự cố tiêm chủng khiến người dân phải đến bệnh viện khám hoặc chịu thiệt hại, gây giảm, mất thu nhập...

Bộ Y tế cho biết, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với lần 2 (mũi 4) từ tháng 5 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo sẵn vắc-xin Covid-19.

Ngành y tế tại các địa phương nỗ lực đưa vắc-xin đến gần với người dân. Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vắc-xin ở các điểm tiêm tại trạm y tế, điểm tiêm lưu động (trường học, nhà máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà. Từ đó, bảo đảm độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin Covid-19.

Ngoài ra, có những điểm tiêm mở 24/7 thuận tiện cho người dân đến chủng ngừa. Ngành y tế và chính quyền các cấp cũng nỗ lực truyền thông vận động người dân đi tiêm mũi nhắc lại.

Bộ Y tế nhấn mạnh, Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường. Song, hiện nay đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vắc-xin tại nhiều địa phương.

Nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc-xin tiếp theo. Bởi, họ nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, liều bổ sung, nhắc lại là không cần thiết.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vắc-xin Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ