Miễn dịch cộng đồng với Covid - 19 có thể “bất khả thi”

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, khi kế hoạch triển khai vắc-xin gặp trở ngại về phân phối và phân bổ, các biến thể mới của SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện. Đồng thời, biến thể mới có thể dễ lây truyền hơn và kháng vắc-xin.

Các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể kháng vắc-xin.
Các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể kháng vắc-xin.

Khó đạt miễn dịch cộng đồng?

GS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam - nhận định, hầu hết các ước tính đã đặt ngưỡng 60 - 70% dân số đạt được khả năng miễn dịch, thông qua tiêm chủng hoặc tiếp xúc với virus trong quá khứ. Tuy nhiên, việc đạt được miễn dịch cộng đồng với virus SARS-CoV-2 là rất khó.

“Ví dụ, vắc-xin Covid-19 do Moderna và Pfizer - BioNTech phát triển, cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh có triệu chứng, nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng có bảo vệ mọi người khỏi bị nhiễm bệnh hay lây lan virus sang người khác hay không. Điều đó đặt ra một vấn đề đối với khả năng miễn dịch của cộng đồng”, chuyên gia dẫn chứng.

Theo GS Nguyễn Văn Kính, khả năng miễn dịch của cộng đồng phù hợp nếu chúng ta có vắc-xin ngăn chặn sự lây truyền. Cách duy nhất để đạt miễn dịch cộng đồng trong quần thể là tiêm vắc-xin cho tất cả mọi người. Song, khả năng ngăn chặn sự lây truyền của vắc-xin không cần phải là 100% để tạo ra sự khác biệt.

Một điều quan trọng khác cần xem xét là cấu trúc địa lý của khả năng miễn dịch cộng đồng. Chuyên gia này cho rằng, khi kế hoạch triển khai vắc-xin gặp trở ngại về phân phối và phân bổ, các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể dễ lây truyền hơn và kháng vắc-xin.

“Các tính toán cho khả năng miễn dịch cộng đồng xem xét hai nguồn miễn dịch của từng cá thể - vắc-xin và sự lây nhiễm tự nhiên. Với những gì đã biết về các Coronavirus khác và bằng chứng sơ bộ về SARS-CoV-2, có vẻ như khả năng miễn dịch liên quan đến thâm nhiễm sẽ suy yếu theo thời gian. Do vậy, điều đó cần được tính toán”, GS Nguyễn Văn Kính chia sẻ.

Ngoài ra, khi nhiều người được chủng ngừa, họ sẽ tăng tương tác và điều đó làm thay đổi phương trình miễn dịch cộng đồng. Một phần phụ thuộc vào số lượng người đang tiếp xúc với virus.

Trong trường hợp không đạt được miễn dịch cộng đồng, GS Kính khuyến cáo, cần sử dụng những loại vắc-xin đa năng, đa thế hệ có thể ngăn ngừa được các biến thể SARS-CoV-2. Đồng thời, tránh tiếp xúc cơ học, trong đó có việc thường xuyên đeo khẩu trang. Tránh tiếp xúc đông người, tuân thủ biện pháp 5K. Sử dụng các thuốc tổng hợp ngăn chặn sự nhân lên của virus.

“Tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể (miễn dịch bẩm sinh và thu được) với việc sử dụng các thuốc điều hòa miễn dịch, tốt nhất từ thảo dược. Kết hợp Đông Tây y một cách bài bản trong phòng và điều trị Covid-19.

Đặc biệt lưu ý các loại thảo dược có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của SARS-CoV-2 vào cơ thể cũng như các thuốc có khả năng ngăn chặn sự nhân lên của virus khi đã vào cơ thể con người. Chúng ta cũng cần quan tâm tới các loại thuốc nam có khả năng làm thoái lui bão Cytokine để giảm thiểu tỷ lệ tử vong cho các bệnh nhân Covid-19”, chuyên gia nhấn mạnh.

Kịch bản Covid-19

Trong khi đó, GS Trần Tịnh Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã đưa ra 3 kịch bản đối với đại dịch. Kịch bản đáng lo ngại nhất là không kiểm soát được Covid-19 một cách nhanh chóng và phải đối mặt với những thể bệnh trầm trọng với số lượng bệnh lớn. Trường hợp khác là kịch bản chuyển từ đại dịch sang các đợt dịch theo mùa như cúm.

“Điều trị bằng các loại thuốc có hiệu quả cao như kháng thể đơn dòng, thuốc diệt virus trực tiếp, sẽ giảm được tỷ lệ tử vong xuống hơn 70 - 85% so với ban đầu. Chúng ta phải nhớ rằng, số tử vong của cúm mùa hằng năm vào khoảng 250.000 - 600.000 và tập trung ở người trên 65 tuổi”, GS Hiền lưu ý.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, kịch bản thứ ba là Covid-19 chuyển đổi thành tình trạng bệnh lưu hành như những virus Corona khác hiện nay có độc lực kém hơn SARS-CoV-2.

Theo GS Trần Tịnh Hiền, hiện nay còn nhiều câu hỏi về Covid-19 bị “bỏ ngỏ”, như về khả năng vượt qua hàng rào đặc hiệu theo loài của SARS-CoV-2. Bởi, động vật hoang dã sẽ là nơi trú ẩn cho virus để tiến hóa và thay đổi, sau đó xâm nhập trở lại con người. Ngoài ra, về miễn dịch học, tiêu chuẩn nào để chủng ngừa lại hay tiêm nhắc cũng chưa được làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...