Vì sao châu Á dẫn đầu xếp hạng PISA 2022?

GD&TĐ - Theo kết quả PISA 2022, các thứ hạng cao đều thuộc về quốc gia, khu vực châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Một tiết học theo nhóm của học sinh Singapore.
Một tiết học theo nhóm của học sinh Singapore.

Có nhiều nguyên nhân cho thấy trình độ học tập của học sinh châu Á tương đối đồng đều và vượt trội.

4 yếu tố thúc đẩy giáo dục châu Á

Ngày 5/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố kết quả PISA năm 2022, chương trình đánh giá học sinh quốc tế ở lứa tuổi 15 với ba môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học, được công bố 3 năm một lần. Kết quả PISA 2022 còn cho thấy nhiều sự khác biệt trong phạm vi khu vực.

Singapore là quốc gia đạt điểm cao nhất trong ba môn Toán, Đọc hiểu, Khoa học. Ước tính, học sinh Singapore có thành tích học tập cao hơn các bạn đồng trang lứa từ 3 - 5 năm.

Ở môn Toán, 5 cái tên theo sau lần lượt là Macao, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các quốc gia, khu vực này cũng đạt điểm cao ở môn Đọc hiểu và Khoa học.

Trình độ học tập của học sinh châu Á tương đối đồng đều và vượt trội so với các khu vực khác trên thế giới. Riêng năm 2022, Trung Quốc, thường giữ vị trí đầu bảng PISA, không tham gia khảo sát do học sinh nước này học trực tuyến kéo dài vì dịch Covid-19.

Lý do tại sao các quốc gia châu Á nói chung và Đông Á nói riêng dẫn đầu về mặt giáo dục là chủ đề gây tranh cãi từ lâu nhưng theo chuyên gia giáo dục Mark Boylan, giảng viên Đại học Sheffield Hallam (Anh) về cơ bản có 4 yếu tố.

Thứ nhất là văn hóa và tư duy. Giáo dục tại Đông Á được đánh giá cao và dựa trên niềm tin rằng nỗ lực chứ không phải khả năng thiên phú là chìa khóa dẫn đến thành công. Dựa trên niềm tin này, văn hóa học thêm sau giờ học chính quy để cải thiện điểm số rất được ưa chuộng, thậm chí đến mức cực đoan.

Thứ hai là chất lượng giáo viên. Giảng dạy là nghề rất được tôn trọng ở Đông Á, nơi có sự cạnh tranh gay gắt về việc làm, điều kiện phục vụ tốt, thời gian đào tạo dài và được hỗ trợ để phát triển chuyên môn liên tục, sâu rộng.

Đơn cử, ở Trung Quốc, khối lượng công việc của giáo viên thấp hơn nhiều so với ở Anh dù lớp học có sĩ số đông hơn. Giáo viên tiểu học thường dạy hai tiết, mỗi tiết 35 – 40 phút mỗi ngày. Thời gian còn lại để dành cho việc lập kế hoạch bài giảng, hỗ trợ học sinh yếu hoặc phát triển chuyên môn cùng đồng nghiệp.

Còn ở Nhật Bản, nội dung “nghiên cứu bài học” được đưa vào các trường tiểu học. Giáo viên lên kế hoạch cho các bài học được thiết kế kỹ càng, quan sát từ việc giảng dạy của đồng nghiệp và rút ra kinh nghiệm từ quan sát này. Việc nghiên cứu bài học còn giúp giáo viên cùng nhau nghiên cứu và phát triển chuyên môn.

Thứ ba là giáo dục Đông Á chịu ảnh hưởng lớn từ các nghiên cứu và lý thuyết giáo dục phương Tây, trong đó, họ tin rằng giáo dục cần trực quan, sinh động. Như tại Singapore, giảng dạy Toán tập trung vào các mô hình cụ thể, hình ảnh và trừu tượng. Khi học về chữ số, học sinh sẽ học đếm từ bàn tay, que tính...

Tinh thần tập thể là yếu tố cuối cùng dẫn đến kết quả ấn tượng của giáo dục Đông Á. Từ những năm 1970, giáo dục Singapore tụt hậu so với phần còn lại của thế giới nhưng cải cách đã đạt hiệu quả thông qua thay đổi mang tính hệ thống ở cấp quốc gia bao gồm xây dựng chương trình giảng dạy, sách giáo khoa quốc gia, đào tạo giáo viên...

Tương tự, ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, thay đổi hay cải cách giáo dục đều được lên kế hoạch và chỉ đạo từ cấp quốc gia. Điều này đồng nghĩa các trường phổ thông sử dụng sách giáo khoa do chính phủ phê duyệt. Chất lượng của giáo viên được chọn lọc nhất quán. Mô hình trường học ít đa dạng, mang tính phổ quát.

Hệ thống giáo dục châu Á đa phần có sự thống nhất và đồng bộ từ trên xuống.

Hệ thống giáo dục châu Á đa phần có sự thống nhất và đồng bộ từ trên xuống.

Chính sách giáo dục đồng nhất

Đi riêng vào hệ thống giáo dục của từng quốc gia châu Á, các chuyên gia đã ghi nhận nhiều điểm thú vị. Quốc đảo Singapore không giàu tài nguyên thiên nhiên nên việc phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục là chính sách ưu tiên quan trọng trong nhiều thập kỷ. Nước này chỉ thành lập duy nhất Viện Giáo dục Quốc gia (NIE) là nơi đào tạo giáo viên để kiểm soát chặt chẽ quy trình này.

Theo chuyên gia giáo dục Dennis Kwek, Viện Brookings, điểm nổi bật của hệ thống giáo dục Singapore là mối quan hệ ba bên chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục (MOE), NIE và các trường phổ thông. Điều đó cho phép những thay đổi mang tính hệ thống lan rộng khắp các trường học và là lộ trình đánh giá – cải tiến chính sách liên tục.

Ngành Giáo dục Singapore đã trải qua 5 giai đoạn chuyển đổi chính sách từ 1965 đến 2022 theo hướng đa dạng hóa chương trình giảng dạy và trường học để phục vụ nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Bên cạnh đó, trường học được trao quyền tự chủ nhiều hơn để đổi mới phương pháp sư phạm và nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu đặc biệt của học sinh.

5 giai đoạn cải cách chính sách giáo dục đã chứng kiến sự thay đổi dần dần mang tính hệ thống ở 4 khía cạnh chính gồm: (1) Từ sự kiểm soát của chính phủ từ trên xuống sang các sáng kiến từ dưới lên và tăng cường quyền tự chủ của trường học với chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm và đánh giá; (2) Từ định hướng tập trung đến đổi mới toàn hệ thống ngày càng mang tính sinh thái; (3) Từ các chiến lược giảng dạy phù hợp với giáo viên đến các phương pháp sư phạm lấy người học làm trung tâm; (4) Từ việc tạo điều kiện tiếp cận trường học đến tập trung vào chất lượng giảng dạy.

“Điều quan trọng là sự thay đổi trong cách diễn đạt chính sách từ tập trung vào cơ cấu giáo dục sang tập trung vào phương pháp sư phạm và chất lượng giảng dạy”, chuyên gia Dennis cho biết.

Trong khi đó, ông Geoff Master - chuyên gia nghiên cứu giáo dục người Australia cho biết, Singapore đã thiết kế hệ thống trường học quốc gia dựa trên quan điểm rằng trẻ em có những nhu cầu học tập khác nhau.

Đơn cử, từ lớp 1, những học sinh yếu Toán hoặc Tiếng Anh sẽ được bổ túc sau giờ học. Các em sẽ học với giáo viên “hỗ trợ học tập”, là những người được đào tạo riêng để làm việc với những học sinh không theo kịp tiến độ của lớp.

Học sinh cần trau dồi tiếng mẹ đẻ sẽ học bổ túc từ năm lớp 2. Học sinh có tố chất được tuyển chọn vào Chương trình Giáo dục Năng khiếu từ năm lớp 3 và vào Học viện Thể thao Thiếu niên từ năm lớp 4.

Dựa trên kết quả học tập cuối năm lớp 4, học sinh lớp 5 và 6 được dạy các môn chính (Toán, Tiếng Anh, Khoa học, tiếng mẹ đẻ) theo hai cấp độ gồm cơ sở hoặc tiêu chuẩn.

Từ kết quả thi tốt nghiệp tiểu học, học sinh sẽ được lên cấp 2 theo ba luồng. Các em có kết quả thấp nhất sẽ học theo chương trình có yêu cầu ít nhất và kết quả cao nhất sẽ học theo chương trình khắt khe nhất.

Mô hình giáo dục này được áp dụng từ những năm 1970 nhằm đáp ứng từng giai đoạn học tập của mỗi cá nhân. Nguyên tắc cơ bản trong hệ thống giáo dục Singapore là sự tham gia của học sinh và việc học tập thành công phụ thuộc vào việc giảng dạy có mục tiêu rõ ràng. Đáp ứng các nhu cầu khác nhau của học sinh được coi là chìa khóa cho giáo dục công bằng.

Tuy nhiên, giáo dục Singapore đang càng trở nên phân hóa và cá nhân hóa hơn. Cụ thể, theo cải cách từ năm 2024, học sinh THCS sẽ không học theo ba luồng.

Thay vào đó, ở từng môn học, các em sẽ được phân vào một trong ba luồng dựa trên kết quả học tập. Học sinh có thể nâng cao trình độ ở từng môn học và được chuyển lớp. Ví dụ, em giỏi Toán có thể học Toán ở lớp trình độ cao nhất nhưng em này không giỏi Tiếng Anh nên sẽ học Tiếng Anh ở lớp trình độ thấp.

Bằng cách này, Singapore tin rằng họ có thể tiếp tục thích ứng với nhu cầu học tập cá nhân hóa của học sinh; đồng thời hạn chế sự phân biệt đối xử giữa các trình độ học tập khác nhau.

Giảng dạy là nghề rất được tôn trọng ở Đông Á.

Giảng dạy là nghề rất được tôn trọng ở Đông Á.

Ảnh hưởng của Covid-19

Còn tại Nhật Bản, giáo dục được phổ cập đến mọi người dân, thể hiện giáo dục rất được coi trọng ở đất nước này. Tỷ lệ nhập học bắt buộc là 100% và tỷ lệ mù chữ bằng không.

Một yếu tố khác tạo nên thành công của giáo dục Nhật Bản là tính công bằng trong hệ thống giáo dục. Tất cả trường học ở Nhật, bất kể vùng miền, điều kiện kinh tế - xã hội, đều nhận được nguồn tài trợ và nguồn lực như nhau. Các trường cũng có mức độ tự chủ cao, không chỉ về ngân sách, mà còn trong việc tuyển dụng giáo viên, xây dựng chương trình dạy.

Theo nghiên cứu của PISA, các hệ thống trường học được trao quyền tự chủ trong việc xác định và xây dựng chương trình giảng dạy, đánh giá có xu hướng hoạt động hiệu quả hơn so với những hệ thống thiếu tính tự chủ. Điều này đúng với mọi quốc gia, bất kể thu nhập bình quân đầu người.

Riêng trong năm nay, các chuyên gia cho rằng thời gian đóng cửa trường học có liên quan đến kết quả PISA. Đơn cử, kết quả của học sinh Nhật Bản đã có sự cải thiện đáng kể, từ vị trí 15 ở môn Đọc hiểu vào năm 2018 lên thứ 3 vào năm 2022. Kết quả môn Khoa học, học sinh Nhật Bản đứng thứ 2 và thứ 5 ở môn Toán học.

Trình độ của học sinh Hàn Quốc không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trình độ của học sinh Hàn Quốc không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo các chuyên gia OECD, thời gian đóng cửa trường học do dịch Covid-19 ở Nhật Bản ngắn hơn so với các quốc gia khác nên ảnh hưởng đến kết quả. Ngoài ra, học sinh được phát máy tính, máy tính bảng trong thời gian học trực tuyến để việc học không bị gián đoạn và các em cũng thành thạo hơn việc làm bài kiểm tra trên máy tính.

Tương tự tại Hàn Quốc, các nhà phân tích cho rằng, học sinh vẫn duy trì việc học trực tuyến trong giai đoạn không đến trường và ứng dụng nhiều công nghệ thông tin nhằm đảm bảo việc học vẫn diễn ra hiệu quả. Điều này góp phần khiến kết quả PISA của nước này vẫn duy trì ổn định và trình độ của học sinh Hàn Quốc nói chung không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn dịch, các trường học vẫn giữ liên lạc với học sinh, phụ huynh qua việc học trực tuyến. Một chuyên gia giáo dục nhìn nhận: “Hàn Quốc tổ chức học trực tuyến tốt hơn các quốc gia khác trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng. Do đó, học sinh Hàn Quốc cảm thấy gắn bó hơn với trường học so với học sinh ở các quốc gia khác”.

Ngành Giáo dục Singapore luôn đổi mới và đáp ứng nhu cầu hiện đại. Hệ thống giáo dục Singapore đã thích ứng với dịch Covid-19 bằng cách chuyển sang hình thức học tập tại nhà và sau đó là học tập kết hợp. Cơ sở hạ tầng tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhanh chóng các nguồn lực công nghệ, ngay cả trong những gia đình khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.