Tuy nhiên, một nghiên cứu kéo dài 2 năm phỏng vấn nhóm 46 phụ huynh trung lưu Thượng Hải cho thấy họ không hài lòng với hệ thống GD ở đây.
Mô hình GD lai
Chuyển đổi kinh tế, xã hội mau chóng ở Trung Quốc khiến nước này trở thành một quốc gia trung lưu với sức chi tiêu lớn. Chỉ 4% dân số Trung Quốc tạo nên các hộ gia đình trung lưu vào năm 2000, nhưng con số này ước tính sẽ tăng 45% vào năm 2022.
Những bậc phụ huynh được khảo sát là những người thuộc tầng lớp trung lưu, đang đòi hỏi một nền GD đẳng cấp thế giới cho con em mình. Mặc dù thành tích học tập quan trọng nhưng họ đều nói rằng hệ thống GD Trung Quốc quá cứng nhắc và định hướng theo thi cử.
Những phụ huynh này thích GD phong cách phương Tây hơn bởi vì họ tin nó sẽ giúp cho con họ phát huy được hết khả năng và dễ dàng tiếp cận với các cơ hội quốc tế.
Họ đã cho con học vào các trường “lai” hay còn gọi là “Đông Tây kết hợp”. Tại đây, HS Trung Quốc được học các môn như toán, tiếng Trung và các giá trị GD từ GV địa phương. Tuy nhiên, các em cũng học để lấy bằng tú tài quốc tế hoặc chứng chỉ GD chung ở trình độ nâng cao (tương đương với chứng chỉ THPT ở Anh).
Các môn như tiếng Anh, nghệ thuật, nhạc, vật lý, triết học trong chương trình đều do GV nước ngoài và GD song ngữ Trung Quốc giảng dạy.
Các bậc phụ huynh trên cũng coi trọng giá trị của hoạt động ngoại khóa và các chuyến học tập tham quan nước ngoài của con mình. Những hoạt động ngoại khóa này không chỉ là hoạt động học thêm khô khan, mà còn bao gồm học kịch, múa, hát, thể thao, học 2-3 nhạc cụ.
Các bậc phụ huynh nói gì?
Chính sách 1 con của Trung Quốc (chấm dứt vào năm 2015) khiến cho phụ huynh thấy áp lực nhiều hơn đối với thành công của con mình. Một gia đình hiện đại của Trung Quốc đã có cấu trúc đảo ngược: 4-2-1 (4 ông bà, 2 cha mẹ và 1 đứa con).
Các bậc phụ huynh trung lưu Thượng Hải tham gia nghiên cứu chủ yếu cũng từng là con một trong gia đình. Điều này phần nào giải thích vì sao họ muốn đảm bảo cho con có triển vọng nghề nghiệp tốt trong tương lai.
Tuy nhiên, họ nhấn mạnh vào việc phát triển tư duy toàn cầu và năng lực liên văn hóa nhiều hơn là chỉ giúp con đạt được kết quả học tập tốt.
Cô Xuan cho biết con trai 10 tuổi của cô được tiếp xúc với nhiều cách nói và giao tiếp của các GV phương Tây. Họ đã dạy cậu biết cách nói chuyện tốt hơn và tư duy một cách khác biệt.
“Tôi muốn cho con những lựa chọn khác giúp nó nhìn thấy nhiều khía cạnh khác nhau và biết cách tìm ra hướng đi riêng” – cô Xuan nói.
Một phụ huynh khác tên Ju tin rằng một nền GD “tốt” bao gồm việc cho con gái 11 tuổi cơ hội trải nghiệp “áp lực” nhưng không chỉ ở trường học.
“Tôi không muốn con chỉ tập trung vào việc học tốt, đó là lý do tại sao nó chơi piano ngoài giờ học để biết cách quản lý thời gian và cải thiện bản thân” – cô Ju nói.
Giáo sư Zheng nói “con trai tôi và thế hệ của nó đang nhìn thế giới khác so với bố mẹ tôi và tôi vì những tiến bộ về công nghệ, kinh tế mà bây giờ nó đang trải qua… Thông qua du lịch, nó sẽ hiểu về đa dạng văn hóa và học được cách sống trong một thế giới toàn cầu hóa”.