(GD&TĐ) - Nhiều dòng họ ở xã Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) từ nhiều đời nay có lệ lấy tên đệm của cha đặt làm họ cho con gái. Người dân cho rằng vì lệ này mà phụ nữ thực sự bị mất họ.
Đúng lệ làng, sai phép nước
Ông Nguyễn Đình Định cho biết tên đệm ở bảy dòng họ Nguyễn (xã Nam Cao) mới là họ gốc |
Lệ này diễn ra nhiều đời ở bảy dòng họ Nguyễn Thiên, Nguyễn Xuân, Nguyễn Thành, Nguyễn Tất, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đình, Nguyễn Khắc thuộc xã Nam Cao. Các trường hợp như gia đình ông Nguyễn Thành Khiển đặt tên con là Thành Thị Tâm, Thành Thị An, ông Nguyễn Khắc Sớ có con là Khắc Thị Hiền, Khắc Thị Hương, ông Nguyễn Đình Hòa có con là Đình Thị Phương, Đình Thị Hương, Đình Thị Hường,… chỉ là vài ví dụ về lệ đặc biệt, phổ biến này ở Nam Cao.
Lệ có từ đời nhà Nguyễn, cách đây gần 200 năm. Người phụ nữ xã Nam Cao vốn quen với nghề dệt đũi, làm nông, không mấy khi ra khỏi xã; mà chính quyền xã, cũng đã quá quen với lệ làng nên khỏi cần khắt khe chuyện giấy tờ! “Lệ ở đây là vậy, đâu có gì đặc biệt”, ông Nguyễn Thiên Định, chủ tịch xã Nam Cao bày tỏ. Thành thử, lệ được duy trì hết đời này sang đời khác.
Tuy nhiên, từ 20 năm trở lại đây, nhiều bất cập về thủ tục pháp lí đã nảy sinh khi ở nhiều gia đình, cha và con gái, anh chị em ruột lại khác họ nhau. Nhiều gia đình đến kỳ vay vốn ngân hàng, hoặc có con đi học, công tác xa,… phải chạy đôn chạy đáo lên ủy ban cho kịp sửa giấy tờ. Để chấm dứt những rắc rối từ lệ làng, UBND xã đã vận động, giải thích cho người dân hiểu nghị định của Chính phủ về đăng ký và quản lí hộ tịch. Ông Nguyễn Đình Hòa, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã cho biết, từ năm 2000, chính quyền xã Nam Cao kiên quyết: Trong mọi trường hợp tới làm giấy khai sinh, họ của cha và con phải giống nhau. Cũng trong năm 2000, ông Hòa làm lại giấy khai sinh cho ba cô con gái với chung một họ Nguyễn. Tới nay, hiện tượng cha con khác họ ở Nam Cao hầu như không còn. Trường hợp vẫn giữ nguyên họ tên cũ như bà Khắc Thị Hiền (47 tuổi, thôn Cao Bạch Đoài, xã Nam Cao), hay đổi họ… chưa triệt để trên sổ hộ khẩu và giấy khai sinh như bà Nguyễn Thị Tâm (53 tuổi, thôn Cao Bạch Đoài) chỉ còn là hi hữu.
Đúng pháp lí, phụ nữ mất họ?
Con đường liên xã Nam Cao, nơi nhiều dòng họ con gái chỉ lấy họ bằng tên đệm của cha |
Việc cổ nhân đặt lệ lấy tên lót của cha làm họ cho con gái có ý nghĩa gì, mọi người trong làng đều không ai rõ. Nhiều người cho rằng lệ xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ có từ nhiều thế hệ trước ở làng. Bà Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: “Chẳng ở đâu có cái lệ kỳ quặc như ở đây. Ai ngoài xã nghe nói đến lệ này họ cũng cười… Chắc là vì các cụ vẫn chuộng nam hơn nữ, quan niệm con gái đi lấy chồng thì thành con người ta nên mới phân biệt tên họ gái, trai như thế”.
Song theo các cụ già, trưởng họ trong xã thì không hề có định kiến giới trong cách đặt họ này. Ông Nguyễn Đình Định (71 tuổi, thôn Cao Bạch Đoài), một trong những người cao tuổi nhất của dòng họ Nguyễn Đình cho biết: “Ở những dòng họ Nguyễn Thành, Nguyễn Đình, Nguyễn Xuân, Nguyễn Hữu,… thì họ gốc không phải là Nguyễn mà là Thành, Đình, Xuân, Hữu,…
Dưới triều nhà Nguyễn, để sống bình an và có thể nương nhờ triều đình, một số dòng họ đã đặt họ vua lên đầu tên họ của mình. Thành thử tới giờ nhiều người vẫn tưởng những từ đứng thứ hai trong các họ tên kia chỉ là tên đệm”.
Ông Định nói: “Trên xã bảo không tìm thấy họ Đình trong danh sách các họ ở Việt Nam nên tốt hơn hết là sửa “Đình Thị” thành “Nguyễn Thị” cho các bà, các cô. Làm thế để thống nhất với họ của nam giới trong cùng một nhà, đỡ rắc rối”. Nhưng theo ông Định, họ Đình đã có từ lâu, xuất xứ ở huyện Bất Bạt cũ (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội). Do họ Nguyễn chỉ là… ngoại nhập nên cách đặt tên cho phụ nữ theo lệ làng vẫn đúng nguyên tắc con mang họ bố.
Lí giải vì sao con trai vẫn mang đầy đủ hai họ, nhưng họ tên của con gái lại bị lược mất chữ “Nguyễn”, các trưởng họ cho rằng điều này giúp họ tên đầy đủ của phụ nữ ngắn gọn hơn. “Thông thường con gái có từ “Thị” là tên lót. Nếu đặt Nguyễn Xuân Thị…, Nguyễn Hữu Thị…” tên sẽ dài tới 4 - 5 chữ, nghe rất rối, nên các cụ chỉ đặt họ chính cho con gái”, ông Nguyễn Đình Bách, trưởng họ Nguyễn Đình giải thích. Vì lẽ này, nhiều người dân xã Nam Cao cho rằng quy định đổi họ tên khiến phụ nữ trong làng bị mất họ. Song, nếu lấy quan niệm họ chính, họ phụ để đặt cho phụ nữ, như lệ làng, những bất cập về thủ tục pháp lí sẽ còn tồn đọng.
Quỳnh Vũ