Vì người học?

GD&TĐ - Đề xuất cho hơn 3.200 thí sinh thi đợt 2 được xét đặc cách tốt nghiệp THPT của TP Hồ Chí Minh đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 1 là 23.569 em chiếm tỷ lệ 2,31%; trong đó chiếm phần nhiều là thí sinh An Giang, Đồng Tháp, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai…

Ngày 14/7, Bộ GD&ĐT đã họp trực tuyến với các sở GD&ĐT có thí sinh chưa được dự thi đợt 1 vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Sau cuộc họp này, một số tỉnh/thành đã có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức đợt 2 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 4800/VPCP-KGVX ngày 16/7/2021; trên cơ sở thống nhất đề nghị của các địa phương, Bộ GD&ĐT đã chốt lịch tổ chức thi đợt 2 vào các ngày 6, 7/8. Tinh thần của Bộ và địa phương là vì lợi ích, bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh; nỗ lực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thí sinh có thể tham dự được kỳ thi kết thúc 12 năm học một cách an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Tuy nhiên, dịch bệnh đang căng thẳng tại nhiều địa phương. Không chỉ TP Hồ Chí Minh mà một số địa phương khác cũng có đề xuất cho thí sinh chưa thi đợt 1 được xét tốt nghiệp nếu các em có nguyện vọng. Lý do của đề xuất này là hiện Chính phủ cũng như chính quyền địa phương xác định đặt sức khỏe, sinh mệnh của nhân dân lên hàng đầu. Việc cho phép thí sinh đủ điều kiện được xét đặc cách nếu các em có nguyện vọng là việc nên làm, nhằm giảm bớt số thí sinh dự thi đợt 2 trong tình hình dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp; đồng thời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh được học sinh, phụ huynh, xã hội đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, hiện một số thí sinh đã được các trường đại học tuyển sinh qua xét tuyển học bạ, hoặc qua kiểm tra năng lực nên có thể sẽ không có nhu cầu tham gia thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh.

Ngoài ra, với sự phân hóa đề thi như hiện nay, những thí sinh có học lực từ khá trở lên hoàn toàn có thể làm tốt bài thi và đỗ tốt nghiệp. Xét về cơ sở pháp lý, có thể vận dụng trường hợp “việc đột xuất đặc biệt” đã được quy định cụ thể trong quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Đề xuất của địa phương là có cơ sở. Tuy nhiên, thiết nghĩ tất cả mọi đề xuất đều cần xuất phát từ nguyện vọng của chính học sinh. Liệu có phải hơn 3.200 thí sinh TP Hồ Chí Minh chưa dự thi ở đợt 1 đều mong muốn được đặc cách xét tốt nghiệp, hay vẫn sẽ có những em mong được dự thi - theo một cách nào đó - để rộng đường vào trường đại học mình mong muốn?

Có lẽ, TP Hồ Chí Minh nên có một khảo sát để nắm được nguyện vọng này. Đây cũng là việc các địa phương khác nên làm trước khi tính toán đến việc đề nghị Bộ GD&ĐT xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh.

Thời gian qua, lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh ngày càng cho thấy rõ những nỗ lực vì người học. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, điều này lại càng cần hơn bao giờ hết, nhất là với lứa học sinh đã 2 năm trải qua xáo trộn vì dịch bệnh. Tin rằng, các trường đại học cũng không đứng ngoài cuộc và sẽ mở rộng, đa dạng phương thức xét tuyển đầu vào để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.