Vì chúng ta là người Hà Nội

Mới 12 tuổi, tôi đã bị thu hút bởi Việt Nam. 

Vì chúng ta là người Hà Nội

Sự quan tâm đó xuất phát từ những hình ảnh và bài viết mà tôi được xem về cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong những năm 1972 - 1975. Khi nhìn thấy cờ đỏ sao vàng bay trên Dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975, tôi rất vui sướng.

Tôi đã coi thắng lợi của cuộc kháng chiến ở Việt Nam như thắng lợi của cá nhân mình và của dân tộc Palestine. Thế nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày tôi lại được sang Việt Nam để học tập và làm việc.

Tôi chỉ nghĩ khi có điều kiện mình sẽ ghé thăm Việt Nam như một du khách, thăm những nơi người Việt Nam đã tô thắm những trang lịch sử hào hùng của chính mình và của nhân loại.

Vi chung ta la nguoi Ha Noi - Anh 1

Nhưng rồi cơ duyên đã đến khi tôi được nhận học bổng đi du học Việt Nam. Ngày 14-10-1980, tôi đặt chân xuống sân bay Nội Bài khoảng 10h sáng.

Từ chiến sĩ công an cửa khẩu cho tới người lái xe của trường đại học đều chào đón tôi bằng một nụ cười. Tôi đã có cơ hội được sống suốt những năm tháng thanh xuân ở Việt Nam với tư cách một sinh viên.

Sau 4 năm học, tôi rời Việt Nam đi công tác ở nước khác và quay trở lại đây lần thứ hai vào năm 1989 trên cương vị Phó Đại sứ. Và nhân duyên đã đến một lần nữa vào năm 2009, sau gần 30 năm kể từ lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, tôi được quay lại đất nước hình chữ S trên cương vị Đại sứ Palestine. Tôi nhận thấy sự thay đổi rõ ràng trên đất nước mà tôi coi như quê hương thứ hai.

Khi quay trở lại Hà Nội, may mắn là tôi vẫn tìm thấy nước mắm và phở. Hà Nội vẫn giữ nguyên được hai món truyền thống này. Tôi vẫn nhớ lần đầu tới Việt Nam, tôi không thể chịu được mùi nước mắm. Trong ba tháng liền, tôi chỉ ăn bánh mỳ. Cho tới khi ăn bát phở đầu tiên thì tôi không còn ăn bánh mỳ nữa.

Từ đó trở đi, phở, nước mắm và các món ăn Việt Nam khác không bao giờ thiếu trong bếp nhà tôi, ngay cả khi tôi rời Việt Nam đi nhận công tác ở các quốc gia khác.

Tôi rất mừng khi thấy Hà Nội vẫn giữ nguyên được những nét văn hóa ẩm thực của mình. Cho dù có rất nhiều món ăn nước ngoài đã du nhập vào Việt Nam, nhưng phong vị ẩm thực Hà Nội vẫn giữ nguyên.

Thậm chí hiện nay, các đầu bếp Hà Nội còn làm hồi sinh những món ăn đã thất truyền, song song với việc giữ gìn những món truyền thống như phở, bún chả và chả cá, ba món đang được xếp trong số các món ăn ngon nhất thế giới. Với tôi, món ăn Việt Nam quá ngon, quá lành mạnh và tốt cho sức khỏe so với món ăn của các dân tộc khác.

Đặc biệt, các quán ăn vỉa hè là một nét văn hóa độc đáo của Hà Nội mà tôi rất thích. Muốn ăn những món ngon, phải tìm đến những gánh hàng rong vỉa hè, đồ ăn ở đó thường rất tươi và vì nấu cho ít người nên họ chú trọng chất lượng.

Người Hà Nội giờ đây đã ăn mặc muôn hình muôn vẻ, tiếp thu tất cả những xu hướng thời trang mới của thế giới. Phục trang của người Việt bây giờ không khác gì so với những quốc gia tiên tiến nhất. Sau Đổi mới, người Việt Nam học hỏi, cập nhật rất nhanh, tiếp thu mạnh văn hóa của các quốc gia khác.

Sự đa dạng và phong phú trong phục trang của người Việt tương phản so với hồi trước Đổi mới. Lúc đó đến Hà Nội, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy mọi người ăn mặc như nhau. Đàn ông ai cũng mặc quần kaki, áo sơ mi trắng, đi dép cao su và đội mũ cối.

Phụ nữ mặc quần lụa đen, sơ mi trắng dài tay - rất hiếm phụ nữ mặc sơ mi cộc tay, đội nón, vừa để che đầu vừa để quạt vào mùa hè.

Bây giờ, không ít cô gái Hà Nội mặc áo hai dây và váy rất ngắn. Ngày xưa không có mấy người Việt mặc quần bò, còn thanh niên nam nữ hiện nay coi quần bò là trang phục phổ thông.

Cách ăn vận đã thay đổi đúng với tinh thần Đổi mới của đất nước, nhưng mừng là tà áo dài của người phụ nữ vẫn được giữ gìn. Đây cũng là nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam.

Áo dài đã đi cùng hình ảnh của người Việt Nam ra Đông Nam Á và thế giới. Tôi mong muốn nét văn hóa này phải được lưu giữ thật lâu dài trong đời sống của đất nước các bạn.

Mừng vì Hà Nội vẫn giữ nhiều nét xưa, nhưng cũng thật tiếc nuối khi một số nét truyền thống đã mai một. Nhất là trong lĩnh vực giao thông đã có sự thay đổi quá rõ rệt. Thời bao cấp hầu hết người dân đều đi xe đạp.

Điều đó khiến Hà Nội trở thành thành phố yên tĩnh, sạch sẽ và thoải mái bậc nhất. Vào mùa thu, mọi người đều có thể ngửi mùi hoa sữa và không bị ức chế bởi tiếng ồn.

Giờ đây, Việt Nam là quốc gia có xe máy nhiều nhất thế giới. Sử dụng xe máy ở Hà Nội đúng là rất tiện nhưng nguy hiểm. Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ tai nạn cao trên thế giới. Đáng nói là ý thức tuân thủ luật giao thông của người Hà Nội rất thấp.

Nhiều người đi ngược chiều, nhiều người vượt đèn đỏ. Điều này làm tôi rất nhớ sự thanh bình trên đường phố Hà Nội ngày xưa, mà giờ đây chỉ có thể tìm thấy vào những ngày Tết...

Hà Nội không còn nhiều điều trong trẻo như xưa, đôi khi chúng ta phải chấp nhận vì đó là sự phát triển tự nhiên. Nhưng tôi vẫn nhớ lắm một thời Hà Nội thanh bình yên ả.

Chúng ta phải bỏ đi những nét văn hóa tiêu cực và cố gắng gìn giữ những gì tích cực vì chúng ta là người Hà Nội, là trái tim, linh hồn của Việt Nam, qua việc lưu giữ những gì thuộc về văn hóa.

Tôi cũng là người Việt Nam và là người Hà Nội đấy! Tôi tự hào vì điều đó và tôi hy vọng các bạn cũng vậy.

Saadi Salama Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam

Theo Hà Nội Mới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ