Những em bé vướng vòng xung đột
Hồi tháng Giêng, những quả rocket rơi trúng vào khu dân cư cô bé sống tại Mariupol, đông Nam Ukraine trong một đợt tấn công của phiến quân mà chính quyền Kiev nói rằng đã làm 30 người chết tại thành phố 500.000 dân thuộc quyền kiểm soát của chính phủ.
May mắn cho cô bé Natasha 15 tuổi là đã không có mặt vào thời điểm tên lửa bắn vào nhưng khi trở về nhà thì cô bé vẫn phải chứng kiến cảnh oanh kích tan hoang. “Sau thảm kịch đó, phải mất ít nhất một tuần cháu không dám ra đường bởi sợ hãi” – Natasha chia sẻ.
Mariupol có vị trí chiến lược và mặc dù giao ước ngừng bắn được thỏa thuận từ tháng 2 nhưng giao tranh gần đây trở nên căng thẳng, đặc biệt là quanh làng Shyrokyne.
Cuộc xung đột, bắt đầu từ tháng 4/2014, khi quân li khai giành quyền kiểm soát phần lớn khu vực đông Ukraine, đã khiến hơn 6.500 người chết.
Natasha kể rằng tiếng đạn pháo đã quen thuộc khiến cô bé không còn giật nẩy người hoặc lao ra nhìn qua cửa sổ nữa, nhưng ảnh hưởng của nó thì đã trở nên sâu sắc hơn.
Cô bé thường tỏ ra cáu kỉnh và có tâm trạng thất thường. “Cháu dễ tức giận ngay cả với những chuyện nhỏ trong gia đình. Đôi khi cháu kích động với cả những chuyện không đâu” – Natasha tâm sự.
Liệu pháp tâm lí
Chương trình xoa dịu nỗi đau này đã vươn tới được 30.000 trẻ nhưng UNICEF ước tính có ít nhất 100.000 trẻ em tại khu vực Donetsk và Luhansk cần hỗ trợ.
Một nghiên cứu do cơ quan của Liên Hiệp Quốc thực hiện cho thấy 37% trẻ được phỏng vấn bị ảnh hưởng tâm lí bởi những sự kiện liên quan tới cuộc xung đột.
Ở ngoại ô Mariupol, chương trình xoa dịu nỗi đau được thực hiện tại một trường học cũ vốn là đối tác của Liên hiệp Thanh niên Mariupol trong 15 năm qua. Ngôi trường này được xây từ nửa đầu thế kỉ 20, mặc dù trong điều kiện tồi tàn nhưng đủ rộng để đón tiếp trẻ có nhu cầu tư vấn tâm lí.
Trong một căn phòng, nhà tâm lí học Eugenia Stupnika đứng giữa, bao quanh là 8 trẻ em nắm tay nhau thành vòng tròn. Đám trẻ quỳ gối và bắt đầu lẩm nhẩm: “Mọi thứ sẽ ổn, mọi thứ sẽ ổn, mọi thứ sẽ ổn”. Rồi sau đó tất cả cùng nhảy lên và thét vang: “Mọi thứ sẽ ổn”.
Stupnika cho biết: “Những trẻ ở đây không nói về những câu chuyện bình thường như những trẻ khác, chúng nói về chiến tranh và cuộc xung đột và những âm thanh đạn pháo khác nhau; ảnh hưởng của cha mẹ cũng có thể tạo ra xung đột tâm lí trong trẻ em bởi họ có những quan điểm chính trị khác nhau và tạo ảnh hưởng lên con cái”.
Stupnika nhận xét, sau khi tham gia các trò chơi hoặc hoạt động như kể những câu chuyện về chiến tranh qua tranh vẽ…, những trẻ vốn xa lạ đã trở nên gần gũi nhau và cảm nhận được tình đồng loại ấm áp.
Ngoài ra, trẻ cũng được tham gia các hoạt động giải tỏa tâm lí khác. Tính đến tháng 6, Ukraine có 168.019 trẻ phải dời bỏ nhà cửa. UNICEF đang tích cực tập huấn để triển khai hoạt động tư vấn rộng hơn.