Đủ đầy cảm xúc
Còn nhớ, trận lũ kinh hoàng hồi tháng 8/2018 khiến cả một thôn bản bị quét sạch. Mọi ngả đường vào xã An Lương bị chia cắt. Lo lắng không biết tình hình HS như thế nào nên các thầy cô Trường PTDT bán trú Tiểu học An Lương đã chia nhau đi thăm hỏi, động viên các gia đình và các em HS. Cũng chính các thầy, cô giáo - những người chỉ quen đứng trên bục giảng đã trèo đèo, lội suối, trực tiếp cõng 2 tấn lương thực đến trường để HS của mình kịp vào năm học mới.
Bằng nghị lực, tình yêu thương học trò, các thầy cô đã biến những điều tưởng chừng như không tưởng trở thành hiện thực, để tiếng trống trường vẫn được vang lên trong ngày khai giảng và chộn rộn đón chào năm học mới - một năm học của những cung bậc cảm xúc và tròn đầy niềm vui. Câu chuyện của các thầy đã gây xúc động mạnh và lấy đi nhiều nước mắt của khán giả trong Chương trình “Thay lời tri ân” dịp 20/11/2018.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Diện trải lòng: “Nhìn lại năm học qua, mỗi chúng tôi đều có cảm xúc riêng; vui có, buồn có. Những trên tất cả là niềm tự hào và phấn khởi vì chúng tôi đã vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình, không chịu lùi bước những khó khăn thử thách mà thiên tai mang lại. Sóng gió đã qua đi; năm học 2018 - 2019 cũng đã khép lại với những gam màu tươi sáng. Kết thúc năm học, đã có 432/436 HS được xét lên lớp, 130 HS có thành tích học tập tốt được khen thưởng. Tập thể cán bộ GV luôn đoàn kết, nhất trí và được công nhận là Tập thể Lao động Tiên tiến và là Mô hình tiêu biểu của huyện, của tỉnh”.
Hồ hởi kể về công tác chuẩn bị đón chào năm học mới 2019 - 2020, thầy Nguyễn Quang Diện cho biết: Sau trận lũ lịch sử năm ngoái, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội cũng quan tâm hơn đến thầy - trò. Con đường đến trường cũng thuận lợi hơn, thầy - trò không phải băng rừng, lội suối để đến trường. “Đáng mừng là chúng tôi đã huy động và duy trì được 100% HS trong độ tuổi đến lớp”, thầy Diện chia vui.
Tăng gia sản xuất
Thầy trò chăm sóc vườn rau, cải thiện bữa ăn bán trú. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Thầy Diện cho biết, để cuộc sống của HS bán trú được bảo đảm, hàng ngày, nhà trường phát động đến GV và HS khối 4 - 5 tăng gia sản xuất bằng cách trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn. Với hơn 2.000 m2 đất, thầy - trò trồng một số loại rau xanh nên cơ bản cung cấp đủ cho bữa ăn bán trú của HS. Ngoài ra, các thầy cô đã tận dụng thực phẩm thừa sau bữa ăn để nuôi lợn. Trong năm học vừa rồi, trường đã thu được khoảng hơn 2.000 kg thịt lợn. Hiện tại, nhà trường đang nuôi 20 con lợn.
Theo thầy Diện, việc trồng rau, nuôi lợn không chỉ giúp cải thiện bữa ăn bán trú mà còn có thêm nguồn thu để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho dạy - học. Đồng thời, đây cũng là hình thức để GD HS về ý thức lao động, phát triển kỹ năng sống và GD hướng nghiệp cho các em. Bằng việc tiết kiệm các nguồn chi của đơn vị, kết hợp với xã hội hóa; nhà trường đã tu sửa cơ sở vật chất và mở rộng 1.000 m2 đất làm sân chơi cho HS. Hiện, cơ sở vật chất của nhà trường tương đối bảo đảm và luôn xanh, sạch, đẹp.
Chia sẻ về các giải pháp bảo đảm an toàn cho GV và HS trong mùa mưa bão năm nay, thầy Diện trao đổi: Từ trận mưa lũ lịch sử năm ngoái, nhà trường đã rút ra bài học kinh nghiệm. Theo đó, ngay từ đầu tháng 7, nhà trường đã huy động các nam GV vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu về trường để phục vụ cho HS đầu năm học và đề phòng sự cố thiên tai bất ngờ. Cùng với đó, nhà trường bố trí nhân viên chăm sóc vườn rau, sẵn sàng phục vụ HS khi các em tựu trường.
Cũng theo thầy Diện, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy - học thông qua đổi mới, sáng tạo, năm học 2019 - 2020, nhà trường xác định công tác chăm sóc, nuôi dạy HS bán trú là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, tổ chức tốt việc GD kỹ năng sống cho các em và làm tốt công tác xã hội hóa để xây dựng cảnh quan nhà trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.
“Trên tinh thần đó, chúng tôi chú trọng vào việc bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ GV thông qua dự giờ lên lớp, tổ chức dạy theo chuyên đề”, thầy Diện trao đổi, đồng thời nhấn mạnh: Với 99% HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy nhà trường tăng cường dạy tiếng Việt cho các em ngay từ đầu năm học, nhất là đối với HS lớp 1.
Ngoài ra, việc chăm sóc, nuôi dạy HS đã được nhà trường xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể cho các bộ phận chuyên môn và các GV. Tổ chức phân công cụ thể hàng ngày cho các GV trong việc hướng dẫn HS nấu ăn, rửa bát, trồng rau, nuôi lợn… “Chúng tôi cũng thường xuyên phát động các phong trào thi đua, các cuộc thi như: Chăm làm, chăm học; phòng ở kiểu mẫu; gấp chăn màn kiểu mẫu, cơm ngon – canh ngọt… Qua đó, nhằm GD kỹ năng sống cho HS, giúp các em sớm tự lập khi không ở cùng bố mẹ trong thời học tập ở trường”, thầy Diện trao đổi.