Vẹn nguyên giá trị

GD&TĐ - Là một trong 10 cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Mường Nhé (Điện Biên), người Hà Nhì sống rải rác tại 4 xã vùng giáp biên gồm: Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn, thuộc hai nhóm Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ. Người Hà Nhì có khá nhiều lễ hội được bảo tồn, lưu giữ, mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo, trong đó đặc sắc nhất là Tết cổ truyền.

Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì chuẩn bị trang phục cho ngày Tết
Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì chuẩn bị trang phục cho ngày Tết

Tưng bừng đón Tết

Cuối năm, cái rét ngọt vẫn phủ khắp các bản làng của Sín Thầu. Dòng Mo Pí vẫn róc rách uốn mình quanh các bản làng như kể câu chuyện về quá khứ khi những bước chân đầu tiên của người Hà Nhì ngược xuôi trên dặm dài biên cương Tổ quốc định cư.

Những bếp lửa bập bùng được nhóm lên, soi rõ khuôn mặt của những mẹ, những chị, những em gái tảo tần người Hà Nhì quanh nồi bánh Tết. Trong nhà, ngoài ngõ được dọn dẹp sạch sẽ khi mặt trời vừa ló rạng trên dãy núi Khoan La San uy nghiêm, nơi phân định ranh giới ba nước Việt – Lào - Trung.

Người Hà Nhì nhìn vào gan lợn để dự đoán tình hình của năm tới.
Người Hà Nhì nhìn vào gan lợn để dự đoán tình hình của năm tới. 

Tết cổ truyền của người Hà Nhì được quyết định bởi những bậc chức sắc. Thông thường, Tết được tổ chức vào ngày đầu của tháng 12 dương lịch. Đó là thời điểm người Hà Nhì cho rằng có thể nghỉ ngơi sau một năm lao động miệt mài, vất vả.

Ông Pờ Diệp Sàng, nguyên Bí thư Huyện uỷ Mường Nhé, một người có uy tín trong cộng đồng Hà Nhì Lạ Mí cho biết: “Người Hà Nhì quan niệm Tết là ngày no đủ, quãng thời gian thụ hưởng thành quả lao động.

Theo truyền thống người Hà Nhì Lạ Mí thường chọn ngày Thìn, tức ngày con rồng, còn người Hà Nhì Cồ Chồ thường chọn ngày Dần, tức ngày con hổ trong tháng 12 dương lịch. Rồng theo tiếng Hà Nhì có hai nghĩa là nước và thêm. Nghĩa là nước sẽ không bao giờ cạn, thêm là sự tăng thêm và phát triển theo chiều hướng tích cực. Ngày con hổ thể hiện sự mạnh mẽ”.

Trước đây, người Hà Nhì ăn Tết cổ truyền trong 5 ngày, còn hiện nay chỉ diễn ra trong 3 ngày. Trong ngày Tết, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc phải có đối với mỗi gia đình. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, các gia đình đều mổ lợn để đón năm mới. Đây là những con lợn của các hộ được nuôi từ đầu năm.

Ông Pờ Pờ Sơn, bản Tả Khố Khừ, xã Sín Thầu chia sẻ: “Năm nay, dự kiến đông khách nên gia đình chuẩn bị 1 con lợn to hơn mọi năm. Tờ mờ sáng, các con dâu, rể đã tập trung mổ lợn đón Tết. Lợn mổ thịt xong sẽ lấy mỗi thứ một ít để chủ nhà cúng khấn mời tổ tiên, số thịt còn lại được bảo quản một phần để ăn lâu dài, một phần được chế biến thành các món ăn mời khách đến thăm chúc Tết gia đình”.

Nghi thức cúng tổ tiên và các vị thần linh của đồng bào dân tộc Hà Nhì.
Nghi thức cúng tổ tiên và các vị thần linh của đồng bào dân tộc Hà Nhì.

Ngày đoàn viên

Với những người con của dân tộc Hà Nhì, dù đã trưởng thành, hay đi làm ăn xa, bận rộn đến mấy, thì ngày Tết vẫn cố gắng thu xếp công việc để về quê. Không chỉ đón năm mới mà đây còn là dịp để các con cháu thể hiện sự hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, dù đơn giản chỉ là những lời hỏi thăm, động viên với đấng sinh thành.

Tết cổ truyền của người Hà Nhì cũng không thể thiếu bánh giầy. Bánh làm từ cơm nếp trộn với vừng rang thơm nức, giã thủ công bằng cối đá chôn ở góc nhà. Mẻ bánh đầu tiên, chủ nhà sẽ nặn một chiếc bánh tròn đem cúng mời tổ tiên.

Con lợn to hay nhỏ tùy vào nhà giàu có hay khó khăn trong ngày Tết.
Con lợn to hay nhỏ tùy vào nhà giàu có hay khó khăn trong ngày Tết. 

Trong ngày này, ngoài việc giã bánh giầy, các gia đình tổ chức vui chơi thăm hỏi chúc Tết nhau. Đàn ông nâng chén chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, các bà, các chị say sưa với câu hát dân ca, điệu múa truyền thống. Còn các em nhỏ mải mê với các trò chơi dân gian. Tất cả tạo nên bức tranh Tết nhộn nhịp, vui tươi đầy màu sắc.

Ngày thứ ba cũng là ngày cuối cùng, các gia đình vẫn còn nhộn nhịp khách ra vào chúc Tết. Không chỉ tổ chức Tết ở mỗi gia đình, hàng năm vào dịp này, Đảng ủy, chính quyền xã thường tổ chức ăn Tết tập trung tại trụ sở UBND. Mọi người ăn uống, chúc nhau cho đến khi màn đêm buông xuống, tất cả bà con tham gia chương trình văn nghệ chào mừng năm mới.

Những bài hát, điệu nhảy, điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc được các cụ già đến những nam thanh nữ tú và các cháu thiếu nhi thể hiện. Xen lẫn các tiết mục của bà con dân tộc là những tiết mục của các chiến sĩ biên phòng, thầy cô giáo cắm bản và cả những người bạn đến từ Trung Quốc mang đến cho chương trình điều khác biệt.

Đến khoảng 22 giờ, là tiết mục xòe Hà Nhì, mọi người đốt đống lửa, gõ trống, chiêng tưng bừng. Trong tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng hát vang vọng khắp núi rừng, trai gái cùng nắm tay nhau nối vòng xòe đoàn kết.

Cuộc sống có nhiều đổi thay, xã hội ngày một hiện đại nhưng Tết của người Hà Nhì vẫn diễn ra một cách nhẹ nhàng đầm ấm, nhộn nhịp mà không xô bồ. Ở đó, những nét đẹp truyền thống được biểu đạt qua tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên, ông bà và những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc được nuôi dưỡng, khơi dậy từ những con người bình dị nơi biên cương Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ