Thực hiện Nghị định số 20/2001/NĐ-CP, ngày 17-5-2001, của Chính phủ, từ năm 2001 đến năm 2007, đã tiến hành 7 đợt xét công nhận chức danh GS, PGS (mỗi năm 1 đợt). Kết quả cụ thể như sau:
Đơn vị: Người.
Năm | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | 2006 | 2007 |
GS | 96 | 115 | 62 | 37 | 42 | 44 | 54 |
PGS | 391 | 553 | 388 | 302 | 312 | 411 | 445 |
Cộng | 487 | 668 | 450 | 339 | 354 | 455 | 499 |
Từ cuối năm 2007, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, HĐCDGSNN và một số bộ ban ngành đã soạn thảo văn bản mới quy định xét công nhận GS, PGS, tới ngày 31 tháng 12 năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định này tại Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg. Do vậy năm 2008 không tổ chức xét và năm 2009 xét cho cả hai năm 2008, 2009; kết quả là đã công nhận 65 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS, 641 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.
Như vậy so với các năm trước, số lượng GS, PGS được công nhận bình quân của năm 2008, 2009 thấp hơn. Ví dụ so với năm 2005 (là năm có kết quả thấp nhất trong 7 năm đã được thống kê ở bảng trên) thì số GS được công nhận đạt tiêu chuẩn của năm 2008 hoặc năm 2009 chỉ bằng 78,57% (33/42). Nếu so với những năm có kết quả cao như năm 2001 hoặc 2002 thì bình quân số GS và PGS của năm 2008 hoặc năm 2009 chỉ bằng 72,48% hoặc 52,84% (353 so với 487 và 668).
II. Về chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS
1. Quy định nâng cao các tiêu chuẩn
Chất lượng là vấn đề đã được đặc biệt quan tâm tại các Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 3932/2009/QĐ-BGDDT, Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT (có thể tìm các văn bản này trong website của HĐCDGSNN http:www.hdcdgsnn.gov.vn); thể hiện ở việc nâng cao các tiêu chuẩn xét và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Ví dụ: Trước đây quy định đạt số phiếu tín nhiệm thấp, lại tính tỷ lệ phiếu tín nhiệm trên số thành viên Hội đồng tham dự kỳ họp và quy định tỷ lệ thành viên Hội đồng bắt buộc tham gia kỳ họp thấp. Từ năm 2008, quy định tính tỷ lệ phiếu tín nhiệm trên tổng số thành viên của Hội đồng ở tất cả các Hội đồng. Do đó, ứng viên phải đạt từ hai phần ba số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGS cơ sở, đạt từ ba phần tư số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên Hội đồng HĐCDGS ngành, liên ngành và đạt từ hai phần ba số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGSNN, mới được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Quy định tổng số điểm công trình tối thiểu tuy không tăng nhưng thực chất là có tăng bằng việc quy định giảm điểm tối đa tính cho một công trình, ví dụ: Một cuốn sách chuyên khảo trước đây tính tối đa là 4 điểm, nay rút xuống còn tối đa là 3 điểm; giáo trình từ 3 điểm rút xuống còn 2 điểm v.v… Một số tiêu chuẩn khác sắp tới (từ 01-01-2011) cũng sẽ yêu cầu cao hơn không chỉ những năm trước đây mà cao hơn ngay cả với năm 2009 như các tiêu chuẩn: Trình độ ngoại ngữ; tham gia đào tạo sau đại học; chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học…Chính vì quy định cao về tiêu chuẩn tỷ lệ phiếu tín nhiệm trên tổng số thành viên Hội đồng nên trong đợt xét năm 2009, có những người chỉ thiếu một / hai phần trăm phiếu bầu cũng không thể được công nhận, cho dù có đủ hoặc vượt các tiêu chuẩn tối thiểu khác. Có Hội đồng ngành, số được công nhận chỉ đạt 36% số ứng viên do HĐCDGS cơ sở đề nghị.
Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư - 2009 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). |
2. Quy trình xét chặt chẽ
Theo quy định mới việc xét công nhận chức danh GS, PGS được tách làm hai bước. Bước thứ nhất là xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, bước này do HĐCDGS nhà nước đảm nhận. Bước thứ hai là bổ nhiệm chức danh GS, PGS do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhận. Việc có thêm bước bổ nhiệm chức danh GS, PGS, không chỉ thể hiện quy trình xét chặt chẽ hơn các năm trước đây, mà còn đề cao vai trò tự chủ, chủ động của các cơ sở giáo dục đại học. Ở bước bổ nhiệm chức danh, các cở sở giáo dục đại học sẽ căn cứ vào nhu cầu của cơ sở mình và công bố công khai những vị trí công tác cần tuyển chọn bổ nhiệm, để các nhà giáo trong phạm vi cả nước có thể ứng tuyển. Sau khi cơ sở giáo dục đại học đã lựa chọn được những nhà giáo xứng đáng, đúng với yêu cầu để trao những nhiệm vụ cụ thể thì lập danh sách đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm chức danh GS hoặc PGS của cơ sở mình.
III. Về thành phần các Hội đồng Chức danh giáo sư
1. Về các GS đã nghỉ hưu tham gia các Hội đồng Chức danh giáo sư
Để việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đạt kết quả tốt, việc tổ chức HĐCDGS các cấp đóng vai trò quan trọng: từ việc lựa chọn con người đến việc quy định những quy trình, lề lối, thể thức hoạt động của các Hội đồng, làm sao đảm bảo sự nghiêm túc, khách quan, trung thực, công bằng…. Những nhà khoa học được lựa chọn tham gia các HĐCDGS phải là người có trình độ chuyên môn cao, có năng lực, có uy tín trong cùng giới chuyên môn , trung thực, khách quan trong công việc, am hiểu và sâu sát với đồng nghiệp, đồng thời có đủ sức khỏe, có điều kiện để tham gia công việc của Hội đồng. Để đáp ứng được những yêu cầu trên, trong thực tế phải giải quyết những vấn đề không đơn giản. Chẳng hạn chọn GS đang còn tại chức với GS đã về hưu (phải nhấn mạnh rằng: Đây là so sánh những GS trong cùng một chuyên ngành). GS đang còn tại chức thì thường là còn trẻ, có sức khỏe tốt nhưng có thể chưa có uy tín chuyên môn cao như một vài GS đã nghỉ hưu; trong trường hợp như thế thì ngoài số GS tại chức, phải chọn lựa bổ sung thêm GS đã nghỉ hưu, nhưng đáp ứng cao các tiêu chuẩn đã nói trên và đặc biệt vẫn còn đủ sức khỏe để tham gia các công việc của Hội đồng. Trong trường hợp không còn GS đang tại chức, mà GS đã nghỉ hưu thì sức khỏe lại không đảm bảo, bắt buộc phải chọn thêm một số PGS tham gia Hội đồng. Cũng có những chuyên ngành chưa có GS, hoặc có GS nhưng đã nghỉ hưu và không đủ sức khỏe để tham gia công việc của Hội đồng thì phải tổ chức Hội đồng liên ngành với một ngành chuyên môn gần gũi và chọn một hoặc hai PGS của chuyên ngành đó làm thành viên của Hội đồng liên ngành v.v…Theo quy định hiện nay, chỉ có Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước là cán bộ chuyên trách, còn lại tất cả các thành viên của HĐCDGS các cấp đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Vì vậy việc cử người tham gia thành viên các HĐCDGS các cấp không nhất thiết phải là các GS, PGS đang tại chức. Tuy vậy, tuyệt đại bộ phận thành viên HĐCDGS các cấp hiện nay đều là các GS, PGS đang tại chức. Trong việc tổ chức các HĐCDGS ngành và HĐCDGS nhà nước còn phải chú ý đến tính chất đại diện của các vùng miền và tỷ lệ nam/nữ tham gia làm thành viên Hội đồng, vì như thế mới đảm bảo yêu cầu thành viên Hội đồng của hai cấp Hội đồng này phải sâu sát, am hiểu tình hình đội ngũ các nhà giáo ở các vùng miền trong cả nước. Ở cấp HĐCDGS cơ sở, phần lớn được tổ chức theo từng cơ sở giáo dục đại học, mà có không ít cơ sở bao gồm đa ngành, đa lĩnh vực, vì thế cũng phải đảm bảo tính đại điện của các lĩnh vực chuyên môn trong Hội đồng.
2. Thành phần cụ thể các Hội đồng Chức danh giáo sư năm 2009
a) HĐCDGS cơ sở
Có 85 HĐCDGS cơ sở của trên 90 cơ sở giáo dục đại học (vì có một số ít Hội đồng là Hội đồng liên cơ sở) với tổng số thành viên là 969 người, trong đó có 300 GS và 669 PGS. Số PGS tham gia HĐCDGS cơ sở cao vì có không ít cơ sở giáo dục hiện nay chỉ có một số ít PGS, chưa có GS hoặc có một vài cơ sở có một, hai GS nhưng đã về hưu, sức khỏe yếu.
b) HĐCDGS ngành, liên ngành
Có 27 HĐCDGS ngành, liên ngành gồm 246 GS và 53 PGS. Có 5 Hội đồng gồm toàn GS.
Việc thành lập 27 HĐCDGS ngành theo quy trình công khai, dân chủ như sau: Các cơ sở giáo dục đại học tổ chức lấy ý kiến giới thiệu từ các khoa và các Hội đồng nhiệm kỳ trước. Có một nguồn giới thiệu nữa là ý kiến của cá nhân các nhà giáo, các nhà khoa học, và các thư ký của HĐCDGS nhà nước đã nhiều năm theo dõi công việc của các Hội đồng. Trên cơ sở các nguồn ý kiến trên đây, Thường trực HĐCDGS nhà nước đã họp để cân nhắc, lựa chọn thành viên HĐCDGS ngành, liên ngành.
c) HĐCDGSNN
HĐCDGSNN nhiệm kỳ 2009-2014 do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm gồm 29 thành viên đều là GS do PTT/BT/CT HĐCDGSNN/GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch.
Các HĐCDGSNN và HĐCDGS ngành, liên ngành có nhiệm kỳ 5 năm, còn HĐCDGS cơ sở chỉ có nhiệm kỳ 1 năm.
IV. Kết luận
Căn cứ các quy định và quy trình nói trên, có thể thấy về cơ bản việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS 2008, 2009 và các năm trước đã đạt yêu cầu, chất lượng tốt. Việc phải qua 3 Hội đồng xét khách quan với các tiêu chuẩn “cứng” quy định rõ ràng, chặt chẽ; với việc đánh giá chất lượng khoa học của ứng viên của thành viên các Hội đồng, đều là những nhà khoa học hàng đầu có uy tín cao ở các ngành, nói chung đã bảo đảm tính khách quan, nghiêm túc.
Đương nhiên cần lưu ý, cho tới nay tiêu chuẩn xét công nhận chức danh GS, PGS ở các nước còn khác nhau, xuất phát từ nền kinh tế xã hội; khoa học giáo dục, nhất là mặt bằng chất lượng đại học. HĐCDGS các cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan hữu quan tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để từng bước nâng cao chất lượng, nhưng có lộ trình để các ứng viên còn kịp chuẩn bị.
Đối với một nước đang còn gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn phát triển cả về kinh tế, xã hội, khoa học và giáo dục như nước ta, tạm thời còn phải chấp nhận chất lượng đại học và trình độ cán bộ giảng dạy, trong đó có các GS, PGS, chưa thể cao như ở một số nước phát triển. Song, có thể khẳng định rằng, các tiêu chuẩn, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS tại Quyết định 174/2008/QĐ-TTg đã có bước tiến cao hơn trước, đồng thời đã từng bước hội nhập với thông lệ quốc tế./.
PGS.TS. Đỗ Tất Ngọc
(Chánh Văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước)