Không giới thiệu chi tiết về truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam thì đến nay, công chúng điện ảnh Việt Nam đều biết đó là nơi ra đời của các tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong rất nhiều thế hệ người xem, như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Vợ chồng A Phủ, Bài ca ra trận, Em bé Hà Nội, Đường về quê mẹ, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đến hẹn lại lên, Bao giờ cho đến tháng Mười,...
Trong đó có một số phim được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh nước nhà. Hãng phim truyện Việt Nam là địa chỉ gắn với tên tuổi nhiều đạo diễn điện ảnh nổi tiếng như Phạm Văn Khoa, Phạm Kỳ Nam, Huy Thành, Trần Phương, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh,... cùng các diễn viên Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh, Như Quỳnh... Vì thế, dư luận quan tâm tới thông tin cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Quan trọng hơn là sau khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam, nay là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (VFS), được xác định hướng đi cụ thể như thế nào, xây dựng chiến lược phát triển về lâu dài ra sao, có tạo điều kiện thuận lợi giúp nghệ sĩ thuộc biên chế VFS phát huy khả năng sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm có chất lượng cao, đáp ứng sự tin cậy của công chúng điện ảnh hay không.
Cổ đông - nhà đầu tư chiến lược cần chú ý rằng, với điện ảnh, kinh doanh có lãi hay không, phải bắt đầu từ các bộ phim, chứ không phải từ những yếu tố ngoài điện ảnh.
Điều đáng nói là, dù bước đầu có thể kinh doanh chưa có lãi, cũng nên góp phần bảo đảm đời sống của các nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên trong công ty,...
Mấy chục năm trước, vì sự phát triển của đời sống văn hóa nghệ thuật và để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, trên cả nước đã ra đời rất nhiều cơ sở văn hóa - nghệ thuật của trung ương và địa phương, từ xưởng phim, đoàn nghệ thuật tới nhà hát, nhà xuất bản, bảo tàng, rạp chiếu phim, thư viện... Về cơ bản, các cơ sở này có địa chỉ riêng với cơ sở vật chất riêng, thường được xây dựng ở địa điểm đẹp ở trung tâm tỉnh lỵ, thành phố lớn.
Ngay cả thời bao cấp, dù kinh phí hạn hẹp, nhiều cơ sở vẫn cố gắng xây dựng tên tuổi của mình, nhờ vậy đã nhận được sự trân trọng của công chúng hâm mộ.
Đó là Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng (Công ty cổ phần phim Giải phóng), Đoàn ca múa Trung ương (Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam), Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long - Hà Nội, Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bông Sen - TP Hồ Chí Minh, Đoàn ca múa Hải Đăng - Khánh Hòa, NXB Tác phẩm mới (NXB Hội Nhà văn), NXB Văn học; các bảo tàng: Lịch sử, Lịch sử quân sự, Mỹ thuật, Phụ nữ,...
ở Hà Nội; các bảo tàng: Thành phố Hồ Chí Minh, Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chứng tích chiến tranh, Phụ nữ Nam Bộ,... ở TP Hồ Chí Minh; các thư viện: Quốc gia, Hà Nội, Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, từ khi mở cửa hội nhập và giao lưu với thế giới, kinh tế thị trường phát triển, các cơ sở văn hóa - nghệ thuật thuộc quản lý của Nhà nước phải đối diện nhiều thách thức.
Trước sự cạnh tranh quyết liệt của các hãng phim tư nhân, đơn vị kinh doanh sách tư nhân, hệ thống rạp chiếu phim tư nhân, phòng trà ca nhạc và nhà hát tư nhân, bảo tàng tư nhân, thư viện tư nhân,… nhiều cơ sở văn hóa nghệ thuật buộc phải trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để tồn tại, tiếp tục làm ra sản phẩm văn hóa - nghệ thuật có uy tín?”.
Cho đến nay, các trường hợp như Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội) bảo đảm “365 ngày sáng đèn”, hoặc Công ty cổ phần phim Giải phóng sau khi cổ phần hóa đã tự lo lương cho 60 cán bộ, công nhân viên,… bảo đảm đủ sống. Và đến hiện tại, để thực hiện chủ trương đúng đắn của Nhà nước về cổ phần hóa, nhiều cơ sở văn hóa nghệ thuật vẫn loay hoay chưa tìm ra hướng đi, thậm chí đã có ý kiến cho rằng nên duy trì sự quản lý của Nhà nước để được bảo đảm kinh phí!
Ở Hà Nội, vì không tìm ra hướng đi, một số cơ sở văn hóa nghệ thuật nổi tiếng một thời bị biến thành sàn nhảy, quán nhậu như các rạp chiếu phim Mê Linh, Đặng Dung,... hoặc phải trả lại mặt bằng cho Nhà nước như các rạp Long Biên, Bắc Đô…
Năm 2016, để giải quyết các khó khăn của Đoàn ca múa Hải Đăng, Sở Văn hóa - Thể thao Khánh Hòa đã trình UBND tỉnh phương án tổ chức hoạt động và phát triển của Đoàn giai đoạn 2016 - 2020, tập trung vào các giải pháp nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động, trong đó dự kiến Đoàn ca múa Hải Đăng sẽ liên kết với Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa để sửa chữa cơ sở làm nơi biểu diễn, kinh doanh giải trí ẩm thực, kết hợp nơi làm việc, tập luyện cho đoàn.
Từ sự kiện liên quan tới VFS, có thể thấy vấn đề cổ phần hóa các cơ sở văn hóa nghệ thuật có nhiều thành tựu, có uy tín, vốn ra đời từ sự tổ chức, chỉ đạo, quản lý của Nhà nước, được cung cấp ngân sách nhà nước, không phải là chuyện đơn giản.
Và nếu cổ phần hóa các cơ sở này thuần túy với mục đích kinh doanh thì về lâu dài sẽ không chỉ làm tổn hại tới tên tuổi, truyền thống đã có, mà có thể làm chệch hướng chức năng, nhiệm vụ đã được quy định của cơ sở văn hóa nghệ thuật.
Trong bối cảnh cổ phần hóa được khẳng định như một tất yếu khách quan, trực tiếp huy động được nguồn lực từ xã hội, tạo ra cơ chế quản lý năng động và linh hoạt, đưa tới sự chuyển đổi và nâng cao hiệu quả hoạt động,… thì cùng với việc bảo đảm quyền lợi của người lao động, cần chú ý đến đặc thù và thương hiệu riêng của kiểu loại sản phẩm vốn có của cơ sở đã được cổ phần hóa.
Trong kinh tế thị trường, sản phẩm văn hóa nghệ thuật cũng là hàng hóa. Nhưng nếu chỉ quan niệm như thế, sẽ dễ đẩy tới quy giản và cào bằng, không phân biệt sự khác nhau về giá trị, xem nhẹ sự tích lũy trí tuệ và khả năng tác động mạnh mẽ tới đời sống tinh thần xã hội - con người của các sản phẩm văn hóa nghệ thuật.
Vì thế, khi tiến hành cổ phần hóa các cơ sở văn hóa nghệ thuật, cần chú trọng đặc điểm riêng này để có quan niệm, thái độ ứng xử phù hợp. Nếu tham gia cổ phần hóa một cơ sở văn hóa - nghệ thuật nào đó, cổ đông - nhà đầu tư chiến lược chỉ chú ý sử dụng đất đai, nhà cửa,… để kinh doanh, thiếu nỗ lực đầu tư để phát triển loại sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặc thù, thiếu nỗ lực thực hiện các mục tiêu xác định khi cổ phần hóa, thiếu tôn trọng lao động đặc thù của người lao động, hoặc chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà thiếu quan tâm đến lợi ích lâu dài,… thì không chỉ kinh doanh thua lỗ, mà có thể làm chệch hướng chức năng, nhiệm vụ của chính cơ sở văn hóa nghệ thuật.
Người lao động, cụ thể là nghệ sĩ ở những cơ sở văn hóa nghệ thuật đã cổ phần hóa, cũng nên nhận thức rằng, cổ phần hóa sẽ tạo ra điều kiện giúp cho sự sáng tạo của họ, cho nên cần chủ động nỗ lực, linh hoạt thích ứng với điều kiện mới để sáng tạo tốt hơn và hiệu quả hơn; đáng chú ý, cần từ bỏ tâm lý ỷ vào Nhà nước như ý kiến gần đây của đạo diễn Quốc Trọng: “Chúng tôi đã trải qua một thời gian dài hoạt động với tư duy sống nhờ “bầu sữa mẹ”, chờ đơn đặt hàng”.
Vì dù thế nào thì sản phẩm văn hóa nghệ thuật vẫn mang dấu ấn cá nhân của người sáng tạo, nếu nghệ sĩ không toàn tâm toàn ý huy động trí tuệ để sáng tạo tác phẩm, nếu nghệ sĩ quá chú trọng điều kiện ngoại cảnh của quá trình sáng tạo (thậm chí coi điều kiện ngoại cảnh là yếu tố tiên quyết),… thì khó có thể làm nên tác phẩm xuất sắc; cũng tức là cơ sở văn hóa nghệ thuật đã cổ phần hóa sẽ khó làm ra hàng hóa chất lượng cao có khả năng đáp ứng nhu cầu lành mạnh của công chúng.
Hơn nữa, để không đánh mất mình trong cơ chế thị trường, cũng nên tham khảo điều mà ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phim Giải phóng, nói:
“Anh em nghệ sĩ chúng tôi hiểu rằng, khi đã là công ty cổ phần thì phải hoạt động theo phương thức của tư nhân. Nhưng tôi nghĩ, là nghệ sĩ cũng phải ý thức chúng ta vẫn phục vụ nhân dân. Nghệ sĩ Nhân dân hay Nghệ sĩ Ưu tú, bất kỳ ở vai trò nào cũng đang phục vụ nhân dân. Trách nhiệm của người làm quản lý là phải hiểu, chia sẻ để các nghệ sĩ hiểu, chúng ta không phải là làm thuê cho tư nhân hay ai đó mà chúng ta phục vụ nhân dân. Còn giữ như xưa thì không được, phải thay đổi theo quy luật”.